Làm sao để "lệnh" cấm biếu, tặng quà lãnh đạo dịp Tết không bị phớt lờ, vô hiệu?

Thành An Thứ bảy, ngày 19/12/2020 07:00 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia, cựu ĐBQH cho rằng mặc dù năm nào cũng có Chỉ thị về việc cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo các cấp nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt. Nguyên nhân chính vẫn là do chúng ta tổ chức thực hiện chưa nghiêm.
Bình luận 0

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị 48 về việc tổ chức Tết năm 2021. Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.

Ban Bí thư cũng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền… tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

Chỉ thị nối tiếp chỉ thị

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận: "Chỉ thị của Ban Bí thư nhắc nhở những điều không bình thường trong việc biếu, tặng quà mang tính không lành mạnh, có mục đích không trong sáng... Nếu đến thăm tặng quà bình thường thì không vấn đề gì, Ban Bí thư nhắc nhở là theo ý đó".

Biếu, tặng quà dịp Tết: Làm nghiêm từ trên xuống và không có vùng cấm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Theo ông Dĩnh, đây không phải là lần đầu tiên Ban Bí thư "nhắc nhở" việc thăm, chúc Tết cấp trên và biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp. "Chúng ta phải làm triệt để việc này chứ năm nào cũng phải nhắc như này cũng không hay lắm".

Để chấm dứt tình trạng cơ quan chức năng tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên; biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, các lãnh đạo và nhân viên cơ quan có người đến chúc Tết phải có thái độ dứt khoát, phải biết từ chối. 

"Không chỉ Ban Bí thư mà các Tỉnh ủy, Thành ủy trên cả nước đều nhắc nhở nhưng sao bao năm nay năm nào cũng phải nhắc, chắc chắn ở đây việc này chưa chấm dứt và không có dấu hiệu giảm. Để chấm dứt, người đi tặng và người nhận phải thay đổi hành vi", ông Dĩnh nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến nhìn nhận, năm nào trước Tết các cơ quan Trung ương cũng có Chỉ thị. Chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ thị của Quốc hội, thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị về việc nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên.

Biếu, tặng quà dịp Tết: Làm nghiêm từ trên xuống và không có vùng cấm - Ảnh 2.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII.

Tuy nhiên, dường như năm nào tình trạng thăm, chúc Tết cấp trên; biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cũng diễn ra, lặp đi lặp lại tình trạng các cơ quan địa phương hoặc các cá nhân kéo lên Trung ương để tặng quà các đồng chí lãnh đạo. Ở các địa phương, các sở, các ngành cũng đến gặp các đồng chí lãnh đạo cấp trên của mình để tặng quà nườm nượp.

"Vấn đề không phải là chúng ta chưa có chỉ thị và thiếu các văn bản pháp luật mà chính khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Trong luật phòng chống tham nhũng cũng có, luật cán bộ công chức, viên chức cũng có quy định không được biếu xén, quà cáp… Thế nhưng, vẫn liên tục xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính vẫn là do chúng ta thực hiện chưa nghiêm, tổ chức thực hiện chưa nghiêm", ông Tiến nói.

Theo ông Lê Như Tiến, việc biếu, tặng quà hiện nay thường là "đằng sau đó có sự trao đổi nào đó tạo điều kiện một vị trí tốt hơn; biếu để nhận được sự quan tâm của một dự án nào đó hoặc tặng quà để sang năm mong muốn lên một nấc thang mới của danh vọng, có thể là có ý đồ vụ lợi.

"Tôi không cực đoan việc tặng quà, nhưng bây giờ tôi thấy, trong quà là thương mại hóa, có thể có phong bì chục triệu, trăm triệu. Đó không gọi là quà nữa mà đó là sự mua bán, đổi chác", ông Tiến nói và nhấn mạnh: "Người đứng đầu phải gương mẫu. Nếu lãnh đạo nghiêm túc thì phải có thái độ cứng rắn đề nghị không nhận quà, không để người tặng quà thực hiện được hành vi biếu, tặng quà. Chúng ta phải làm nghiêm từ trên xuống và không có vùng cấm thì chỉ thị mới hiệu quả".

Đảng viên, lãnh đạo phải tiên phong gương mẫu

Ông Nguyễn Tiến Sinh – ĐBQH khóa XIV cho rằng, việc ngăn chặn, xóa bỏ nạn quà cáp, biếu xén dịp lễ Tết không dễ. Điều khó phát hiện chính là việc biếu xén, tặng quà Tết thường không xảy ra xung đột lợi ích trực tiếp với người thứ ba, cũng như cả bên đưa và nhận đều "vui" nên việc phát hiện, tố giác rất khó.

"Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên hoặc người được tặng quà biếu rất quan trọng. Lãnh đạo phải dám dũng cảm từ chối quà tặng. Thực tế, có nhiều đồng chí lãnh đạo kiên quyết không tiếp khách đến chúc Tết, tặng quà Tết", ông Sinh nói.

Vị ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, chúng ta đã có chủ trương và triển khai thực hiện các Chỉ thị nhưng cần phải có sự giám sát và việc này cần được thực hiện ngay ở chi bộ, đảng bộ, trong từng cơ quan và nhân dân cùng giám sát, cùng phê phán những hành vi sai trái thì mới có thể giảm bớt và tiến tới ngăn chặn được.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho hay, trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, ít nhất thì việc cấm biếu quà Tết cũng ngăn chặn được tình trạng công khai.

Theo ông Cuông, để chấm dứt tệ nạn hối lộ biến tướng là "quà biếu tình cảm" trước hết người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm. Và việc cấm tặng quà là cấm cả năm chứ không chỉ cấm biếu quà trong dịp Tết. Vì người hối lộ sẽ đến trước và sau tết, ngoài dịp Tết, không đến nhà thì đến cơ quan, ở quán ăn, cà phê hoặc nhờ gửi…

"Cần phải có những quy định mức khen thưởng cho người tố giác và bắt quả tang hành vi nhận quà của các quan chức để tạo động lực cho họ và phải biết lắng nghe dân. Ngoài ra, rất cần có cơ chế giám sát thật chặt vấn nạn này cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm mới mong giảm được tiêu cực, tham nhũng, hối lộ trá hình", ông Cuông nhấn mạnh.

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII:

"Trước hết, lãnh đạo cấp trên phải gương mẫu và phải có thái độ dứt khoát chứ khi người ta đến biếu, tặng quà mà vẫn nhận một cách vui vẻ thì rõ ràng người ta vẫn đưa đến.

Có lần tôi nhìn thấy một số đồng chí lãnh đạo gương mẫu đã ghi danh sách những người đến biếu quà và gửi lại quà biếu ấy cho văn phòng của các cơ quan để hỗ trợ những người khó khăn, người nghèo.

Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp cụ thể, có tính khả thi để triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư. Ví dụ đề nghị người dân ở nơi cư trú, nơi công tác của cán bộ lãnh đạo đó giúp Trung ương phát hiện ra tình trạng biếu xén, quà cáp, tình trạng ôtô rồng rắn đến nhà các đồng chí lãnh đạo và đến cơ quan. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực này phải xác minh xem có tình trạng này không, xử lý thế nào đều phải công khai để người dân biết.

Nếu phát hiện ra trường hợp vi phạm thì phải có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm, chứ không nên nói chung chung theo kiểu vận động được. Nếu xử lý nghiêm sẽ hạn chế được tình trạng biếu xén, tặng quà lãnh đạo trong dịp Tết.

Đồng thời, ngoài việc ban hành các chỉ thị, nên có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan truyền thông để cả người đưa quà và người nhận quà đều phải có thái độ cương quyết và coi đây là việc làm sai trái, sai với Chỉ thị của Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, sai so với pháp luật của Nhà nước và quốc hội đã ban hành".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem