Khu vực hyện Châu Thành (Tiền Giang), vẫn còn tồn tại một số cơ sở làm than tổ ong. Mặc dù xu hướng dùng các loại bếp nấu bằng điện, gas ngày càng phổ biến, nhưng với những hàng quán và người nghèo, than tổ ong vẫn được ưa chuộng vì giá thành thấp, sức tỏa nhiệt cao, lửa cháy đều, thời gian cháy kéo dài…
Chị Trần Thị Thảo – chủ một cơ sở sản xuất than tổ ong (xã Điềm Hy, Châu Thành) cho biết, đã làm than hơn chục năm nay. Hiện, mỗi tháng cơ sở bán ra hơn 10.000 bánh than tổ ong các loại. Mặc dù là chủ cơ sở nhưng trông chị khá lấm lem. “Công việc nặng nhọc, độc hại nên kiếm được thợ này, thợ kia nghỉ. Cuối cùng, mình cũng phải làm. Mỗi bánh than làm ra chỉ lời 100 đồng chứ nhiều nhặn gì”, chị thổ lộ.
Người thợ đóng than tổ ong thường xuyên phải tiếp xúc với không khí độc hại từ nguồn than bụi, lại đòi hỏi phải có sức lực và sự dẻo dai, nên nghề này rất kén người làm. Gắn mình với thứ than đen ngòm, nên nhìn bề ngoài ai cũng đen đúa, nhem nhúa, bụi bặm.
Ông Tư Đợi (Nguyễn Văn Đợi) có 5 năm đóng than tổ ong. Giờ ở cái tuổi 60, thay vì phải đi kéo xe, phơi gạch như trai tráng, ông được giao việc đóng than trong kho. Tránh được việc nhọc, nắng mưa nhưng ông phải hít khí độc suốt ngày trong kho sản xuất đầy bụi bặm, yếm khí. Ông cho biết, ngày làm 8 tiếng, đóng được 400 bánh than, nhận được tiền công 200.000 đồng. Ông than, biết việc tiếp xúc với than đá lâu ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng vì miếng cơm manh áo, nên ông và nhiều thợ khác buộc phải gắn bó với nghề đóng than nhọc nhằn…
Dù công việc vất vả, môi trường độc hại, nhưng người thợ đóng than tổ ong vẫn ngày đêm miệt mài lao động để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Với họ, giữ được sức khỏe vẫn là vấn đề hàng đầu.
Ngoài những cơn đau lưng, đau khớp… âm ỉ hành hạ từ ngày này sang ngày kia, bệnh ho nghiễm nhiên trở thành bệnh nghề nghiệp với người làm than tổ ong. Ông Tư Đợi tâm sự, năm nào cũng vậy đến cận Tết mới được chủ cho nghỉ. Ráng làm để có tiền trang trải cái Tết cho gia đình đang áp sát sau lưng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.