Cám cảnh người đàn ông mang bệnh lạ suốt 25 năm

Chủ nhật, ngày 08/09/2013 06:33 AM (GMT+7)
25 năm qua, ông Phạm Dởn (65 tuổi, thôn Mỹ Liên, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hết sức khổ sở vì những vết sẹo lồi mọc chi chít khắp cơ thể.
Bình luận 0
Căn bệnh hiếm gặp này không những hành hạ về thể xác với những cơn đau quằn quại, tê buốt mà còn khiến cuộc đời của người đàn ông khốn khổ phải sống trong sự dị nghị, dè bỉu từ miệng lưỡi thế gian. Nỗi khát khao một ngày những “cục nợ” sẽ thôi đeo bám dai dẳng, một ngày mình sẽ được “lột xác” cứ mãi giày vò ông.

“Dị nhân” sẹo lồi

25 năm về trước, ngôi làng Mỹ Liên vốn yên bình bỗng một ngày xôn xao khi rộ lên chuyện một người đàn ông trong làng đột nhiên biến thành “quái nhân”. Toàn thân xuất hiện những vết sẹo chi chít trông rất gớm ghiếc. Càng ghê rợn hơn khi trên khuôn mặt và 2 vành tai các cục sẹo như mọng mủ lớn bằng nắm tay che kín mít khiến ai nhìn thấy cũng khiếp đảm.

Khi chúng tôi hỏi đường đến nhà của người đàn ông mà người trong làng e dè gọi là “dị nhân”, nhiều người vẫn tỏ vẻ ái ngại, ngập ngừng hồi lâu rồi mới chỉ lối. Căn nhà nhỏ nơi ông Dởn sinh sống nằm khuất sau rặng dâm bụt, vắng hoe bóng người. Trong gian phòng tối om, một người đàn ông đang lúi húi dùng gai nhọn cạy lớp sẹo trên cánh tay còn ứ máu, vừa cạy ông vừa nấc lên những tiếng rên la đến não nề.

Nhìn ông đang khổ sở “giải quyết” cơn ngứa ngáy, tôi biết đây chính là nhân vật mà người dân trong vùng mấy chục năm qua gắn cái mác “dị nhân” sẹo lồi. Phải mất một hồi lâu kiên nhẫn thuyết phục, ông Dởn mới mạnh dạn rũ bỏ sự mặc cảm, nghẹn ngào trải lòng với chúng tôi: “Chắc mấy chú thấy người ngợm tôi rất đáng sợ có phải không. Nhiều người mới nhìn thấy mấy cục sẹo như cục nợ này của tôi sợ khiếp vía, thậm chí buồn nôn ấy chứ. Tôi luôn cố che đậy chúng và tất nhiên chẳng muốn ai hoảng sợ vì mình”.

“Tôi còn nhớ như in vào năm 20 tuổi, lúc đó hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi theo một số bạn bè trong xóm ra Đà Nẵng hành nghề phu hồ. Công việc thường xuyên va chạm với các vật sắc nhọn dễ gây trầy xước, thế nhưng những vết trầy sau khi lành lặn lại không biến mất mà cứ hằn in trên da như vết xăm trổ. Mình cứ nghĩ đó chỉ là vết sẹo không đáng lo ngại nên dửng dưng mặc kệ không đi khám.
Ông Dởn mới phẫu thuật ở mặt nhưng sẹo lồi đã dần phát triển trở lại
Ông Dởn mới phẫu thuật ở mặt nhưng sẹo lồi đã dần phát triển trở lại
10 năm sau khi tôi về quê lập gia đình và mần ruộng, tự dưng các vết sẹo ngày trước nổi sạm, lồi lên trên vùng da khoảng độ 50 mm. Đến năm tôi 40 tuổi thì chúng như mọng mủ, sưng to chừng 1cm, dần dà những vết sẹo nằm gần nhau kết dúm lại tạo thành các lớp sẹo lớn bao phủ toàn thân. Kể từ đó cơ thể tôi lúc nào cũng có cảm giác ngứa ngáy, đau nhức ghê lắm”, ông Dởn kể lại.

Ông cho biết thời gian đầu phát căn bệnh lạ quái ác này, ông đã lặn lội thăm hỏi nhiều nơi, gõ cửa không ít các trung tâm y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện nhưng chưa từng gặp trường hợp nào mắc phải căn bệnh dị kỳ như mình. Sẹo lồi chỉ lan tỏa ở vùng cẳng tay, cẳng chân và vùng lưng nhưng chỉ một thời gian ngắn, trên mặt và đặc biệt ở 2 vành tai xuất hiện những cục sẹo lồi mà ông mô phỏng nó có hình thù bằng nắm tay, kết thành từng chùm che lấp 2 mắt, bịt kín cả tai.

“Khó chịu nhất là lúc ngủ. Nửa đêm trở mình vô tình cục sẹo bên tai bị kẹp giữa vành tai và gối gây đau nhức thấu trời xanh. Bởi vậy tôi phải thiết kế thêm một chiếc gối nhỏ kê tai khi ngủ. Đau về thể xác đã đành, sự dòm ngó, phát sợ của người khác khi gặp mình khiến tôi luôn mặc cảm không dám bước chân ra khỏi ngõ, thui thủi ở xó cửa chẳng dám ló mặt nhìn ai. Vì hễ thấy tôi là họ lại nói là dị nhân không giống con người. Tụi nhỏ trong làng gặp tôi là chạy thục mạng như chạy giặc. Những lúc nghe những lời đó lòng tôi như thắt lại như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim”, vẻ mặt khắc khổ nhìn những cục sẹo lồi mấy chục năm bám riết lấy mình, ông Dởn bùi ngùi chia sẻ.

Ước mơ “lột xác”

Từ ngày “khoác” lên mình hàng chục lớp sẹo lồi, sức khỏe của ông Dởn ngày một đi xuống và dần mất hẳn sức lao động, thậm chí đến sinh hoạt hằng ngày từ tắm rửa, giặt giũ đến cơm ăn nước uống cũng đều nhờ vào người vợ tảo tần. Một mình chăm chồng bệnh tật, nuôi 4 con khôn lớn, bà Nguyễn Thị Tám (62 tuổi, vợ ông Dởn), nói: “Bao nhiêu năm lấy chồng, chưa lúc nào vợ chồng tôi có lấy 1 ngày hạnh phúc trọn vẹn.

Một nách nuôi 5 người thực sự sức tôi đã kiệt quệ. Khổ mấy tôi cũng chịu được nhưng mỗi lần ông lên cơn đau, ruột gan tôi như lửa đốt, chạy vạy vay mượn khắp nơi từ anh em họ hàng đến bà con chòm xóm đưa ông đi khám bệnh. Không ít đêm 2 vợ chồng thức trắng, tôi cố gợi chuyện cho ông quên cảm giác ngứa ngáy, nhức nhối từ những vết sẹo nhưng cũng chỉ được một lúc ông đau quá lại rên rỉ. Những lúc như vậy tôi chỉ biết than thân trách phận hẩm hiu và cả 2 vợ chồng lại ôm nhau khóc vì tủi”.

Bây giờ khi các con đã yên bề gia thất, đủ lông đủ cánh bôn ba tứ xứ lập nghiệp, bà Tám vẫn cần mẫn ra sức làm thuê làm mướn, chắt chiu từng đồng gom góp đưa chồng ra Đà Nẵng chữa bệnh. “Cách đây 5 năm, dành dụm được số tiền 5 triệu đồng, vợ tôi bắt xe chở tôi ra Đà Nẵng khám tổng quát.
Sẹo lồi xuất hiện toàn thân ông Dởn
Sẹo lồi xuất hiện toàn thân ông Dởn
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh cơ địa sẹo lồi, một căn bệnh hiếm gặp ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi được phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi ở vùng tai. Những tưởng 1 thời gian sẹo lồi lắng xuống sẽ không tái phát nữa, nào ngờ 2 năm sau chúng phát triển trở lại và trở lại hiện trạng ban đầu vốn có”, ông Dởn buồn rầu kể.

Bao nhiêu hy vọng, bấy nhiêu niềm tin đặt cả vào ca phẫu thuật “lột xác” đã bị dập tắt và càng thất vọng hơn khi bệnh đã nặng càng nặng thêm. Nhưng chưa khi nào ông Dởn thôi bùng cháy nỗi khát khao “lột xác” hoàn toàn với niềm mơ ước một ngày bộ dạng “da quỷ” của mình sẽ bị gột bỏ.

Thấu hiểu nỗi lòng của cha, những người con của ông ở xa tằn tiện chi tiêu gửi về quê chạy chữa bệnh cho cha với hy vọng còn nước còn tát. “Vừa rồi mấy đứa con gom góp tiền gửi cho tôi đặng đưa ba đi phẫu thuật thêm một lần nữa. Vì chi phí phẫu thuật toàn thân lên đến vài trăm triệu nhưng xác suất thành công rất thấp nên chỉ tập trung mổ cắt đi lớp sẹo ở mặt và tai. Hiện tại sẹo lồi ở 2 vùng này đã thuyên giảm nhưng chưa triệt tiêu hoàn toàn”, bà Tám, cho biết.

Cầm chiếc gương soi đi soi lại khuôn mặt của mình sau phẫu thuật, ông Dởn mong mỏi: “Tôi ước gì khuôn mặt của mình giữ mãi như bây giờ. Nếu điều đó thành sự thật thì tôi mong một ngày nào đó mình sẽ được phẫu thuật cắt những sẹo lồi còn lại. Tôi đã làm khổ vợ con nhiều rồi. Tôi muốn mình khỏe mạnh để bù đắp lại chuỗi ngày mình là gánh nợ của gia đình. Đến lúc đó tôi có thể ngẩng cao đầu đi ra đường, tự tin đối mặt với mọi người và không còn mặc cảm với xã hội nữa”.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Anh, người trực tiếp điều trị cho ông Dởn những năm qua cho biết: “Đây là trường hợp bị bệnh cơ địa sẹo lồi đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận và đang theo dõi điều trị. Khả năng thành công đối với trường hợp của chú Dởn là 25%. Nếu tình hình khả quan, chúng tôi sẽ tiếp tục phẫu thuật phần sẹo lồi còn lại để bệnh nhân không phải tự ti về căn bệnh của mình”.
Cần lắm tấm lòng của những nhà hảo tâm để giúp ông Dởn có tiền thực hiện phẫu thuật, trở lại cuộc sống bình thường. Mọi đóng góp xin gửi về thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hoặc điện thoại 0977 200 625
Tam Ca – Dương Phương (Dòng Đời) (Tam Ca – Dương Phương (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem