Giờ ai đi qua đất Cao Phong cũng cảm nhận được sự sầm uất và giầu có của người trồng cam nơi đây. Xe cộ nườm nượp qua lại, du khách thập phương dập dìu dừng xe bên quốc lộ để mua cam. Sự thay đổi của thị trấn giầu nhất đất Tây Bắc này không dễ gì có được trong ngày một, ngày hai. Những người trồng cam cũng đã trải qua không ít phen chìm nổi.
Người trồng cam ở đất Cao Phong đã trải qua không ít phen lận đận.
Đằng sau "mác" tỷ phú cam
Ông Tạ Đình Đào được người dân gọi là “vua” cam vì ông đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam. Gặp ông Đào hỏi về chuyện này, ông Đào cười tủm và nói đầy ẩn ý, quả là người trồng cam tiền không thiếu, nhưng để có được nông trường cam mở rộng như ngày nay, những người trồng cam đã trải qua bao gian nan. Thế hệ ông Đào là những công dân miền xuôi đầu tiên đặt chân lên khai phá nông trường cam này vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Khi đó cả vùng đất rộng lớn này là rừng lau, rừng luồng. Các công nhân nông trường đã hy sinh cả tuổi đời thanh xuân của mình mới tạo nên được một nông trường đẹp và giàu có như ngày nay.
Mỗi ha cam trồng ở Cao Phong cho thu hoạch cả tỷ đồng. Với thời giá như hiện nay, người trồng cam vẫn đang có lãi lớn.
Thế hệ những người như ông Đào đã gây dựng lên nông trường cam nổi tiếng ngày nào. Ngày đó, cam dùng để xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Công nhân nâng niu từng quả cam một. Ông Đào kể, mỗi quả cam đóng thùng xuất khẩu phải dùng khăn sạch để lau. Người làm cũng phải thật nhẹ nhàng, làm sao quả cam sáng bóng mà không khiến nó bị rập dầu. Có như thế cam mới giữ được lâu và chất lượng thơm ngon.
Diện tích cây có múi của cả tỉnh Hòa Bình khoảng 6.300ha. Trồng cam, quýt là nghề hái ra tiền ở Cao Phong. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, bà con nơi đây và cả nhiều nhà đầu tư ở các nơi khác đổ về Hòa Bình trồng cam.
Thành quả gây dựng của những chàng trai, cô gái miền xuôi lên miền ngược năm xưa đã tạo nền móng cho cây cam phát triển mạnh ở đất Cao Phong. Nơi này có điều kiện thổ dưỡng phù hợp cho cây cam phát triển. Cam trồng ở Cao Phong bao giờ ăn cũng thơm và ngon hơn nơi khác. Vậy mà bao năm qua, cây cam chưa thể phát triển mạnh vì người tiêu dùng chưa biết đến.
Bà Nguyễn Thị Thi một người trồng cam và cũng là người buôn cam có tiếng ở đất Cao Phong chia sẻ, những năm 2009, 2010, việc bán cam vô cùng khó khăn. Giá cam khi đó có hơn 3.000đ/1kg rồi lên 4.100 -4.200đ/1kg. Bà con rất khó bán cam. Nhiều người khi đó còn phá cam đi trồng mía. Từ năm 2012, cây cam mới bắt đầu khởi sắc và lên giá.
Cây chanh đào từng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân. Nhưng năm nay, cây chanh lại là gánh nặng, vì diện tích và sản lượng đều tăng chóng mặt khiến việc tiêu thụ gặp khó.
Canh cánh nỗi lo: Bán cam ở đâu
Nó chuyện xưa để nhớ chuyện nay, người ta cứ nghĩ cứ trồng cam là giầu là có tiển tỷ, thực tế không phải dễ đàng như vậy đâu. Dân Cao Phong cũng từng trải qua không ít những phen lận đận. Anh Trường là thế hệ sau được sinh ra ở Cao Phong. Năm nay đã bước sang tuổi tứ tuần mà anh mới có được 1ha cam bói. Anh chia sẻ, trồng cam phải đầu tư nhiều, mỗi ha lên đến cả nửa tỷ đồng. Đó còn chưa kể công cán mình bỏ ra và tiền mua đất. Đó là điều không phải ai cũng có đủ kiên trì để làm. Đặc biệt là nếu như giá cam cứ giảm, không phải người trồng cam nào cũng có lãi.
Sau nhiều năm lận đận, người trồng cam ở đất Cao Phong mới mở mày mở mặt khi giá cam tăng lên và dễ bán.
Cây cam trải qua nhiều thăng trầm, từ năm 2013, người tiêu dùng bắt đầu biết đến cam Cao Phong, giá cam từ 4.000-5.000 đồng/kg, có lúc tăng lên 20.000- 35.000 đồng/kg, giá bán tại vườn. Những hộ mạnh dạn đưa cây cam V2 (chín muộn bắt đầu thu từ giữa tháng 1 đến tháng 4), thậm chí còn bán được 60.000-70.000 đồng/kg. Liên tiếp các năm sau này, giá cam luôn giữ ở mức ổn định. Duy chỉ có vụ thu hoạch cam năm nay, người Cao Phong kém vui vì cam không được giá cho lắm.
Người có tiền mới dám trồng cam, lời khẳng định chắc như đinh đóng cột đó của các tỷ phú đất Cao Phong cũng có cơ sở. Trồng cam sau 4-5 năm mới cho thu hoạch và phải đầu tư rất lớn, mỗi ha mỗi năm ngốn cả trăm triệu tiền thuốc, phân bón và công cán là chuyện thường. Thấy trồng cam có lãi, không chỉ người dân Cao Phong mà bà con nông dân ở các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn và Yên Thủy cũng lao vào như con thiêu thân. Từ vài trăm ha ban đầu, đến giờ tổng diện tích cam của tỉnh Hòa Bình cũng lên đến con số trên nửa vạn ha.
Mùa thu hoạch cam ở Cao Phong.
Khi cung vượt quá cầu, giá chắc chắn sẽ bị đẩy xuống, người trồng cam xứ Mường cũng bắt đầu cảm nhận được sức “nóng” của cuộc khủng hoảng thừa sắp tới. Nói như một nhà báo kỳ cựu ở Hòa Bình và anh cũng là người chứng kiến bao thăng trầm của đất cam, người dân chỉ biết lao vào trồng cam còn tiêu thụ phó mặc cho tư thương. Chính quyền các huyện cũng vậy “trống rong cờ mở” vận động người dân trồng, ít nơi đưa ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Trồng cam ai cũng có thể cố gắng trồng được, nhưng việc bán cam mới quyết định tới sự thành bại của cây cam. Việc này nằm ngoài khả năng của các hộ trồng cam.
Cây cam Canh cũng hợp với thổ nhưỡng đất Cao Phong.
Năm 2017, huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong… đều tổ chức lễ hội cam, với hy vọng doanh nghiệp sẽ đến kí kết, tiêu thụ cam cùng bà con. Thực tế lại không như chính quyền kì vọng, bà con nông dân vẫn mịt mù về đầu ra cho sản phẩm. Cây cam đã trải qua bao phen “lên bờ xuống ruộng”, năm nay giá đã giảm 5-10 "giá" tùy từng loại cam, việc tiêu thụ cũng chậm hơn khiến người trồng cam lo lắng hơn. Bởi lẽ, hơn ai hết, họ đã “đặt” cả cơ nghiệp vào vườn cam, họ cũng không mong muốn thêm một lần nữa cam để rụng mà chưa bán được.
Bài học từ cây chanh đào vẫn còn nguyên giá trị. Nhà nhà đổ xô vào trồng, giá chanh từ 50.000đ đồng/kg “tụt” không phanh, xuống còn 1.000-2.000 đồng/kg. Hai năm nay là cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn khiến cả vạn nông dân lao đao. Năm nay, nhiều hộ nông dân đã nước mắt ngắn dài chặt bỏ chanh đào. Khi cam, quýt dội chợ, sản lượng không ngừng gia tăng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 6.300 ha, trong đó, diện tích cam là 3.600 ha, bưởi 2.700 ha. Ðặc biệt, cây cam hiện có mặt ở hầu khắp các huyện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều nhất ở Cao Phong. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.