Cẩm Điền những ngày mỏi mòn tìm tiếng nói chung

Thắng Quang Thứ bảy, ngày 18/07/2015 10:40 AM (GMT+7)
Dự án Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền – Lương Điền gặp vướng mắc do thời gian qua công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giữa người dân, chính quyền và chủ đầu tư chưa có tiếng nói chung. Trong khi thủ tục chuyển nhượng dự án giữa 2 chủ đầu tư chưa xong.
Bình luận 0

56 hộ không nhận đền bù

Những người dân thôn Hoàng Xá, (xã Cẩn Điền, huyện Cẩm Giàng) cho biết, năm 2008, khi UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền thì đại đa số bà con đều phản đối. Thậm chí, để giữ đất, giữ ruộng, những người nông dân còn mắc võng, dựng lều tại khu vực nằm trong diện, mục thu hồi, chia tổ túc trực ngày đêm, dù mưa hay nắng.

img

Người dân xã Cẩm Điền vẫn đang lập chốt canh gác tại cổng khu công nghiệp (ảnh chụp ngày 15.7). Ảnh: Thắng Quang

Cũng theo người dân, ngày 10. 11.2008, ngành chức năng tỉnh Hải Dương đã huy động khoảng 500 người để tiến hành giải phóng mặt bằng, nhưng không được. Lý do người dân đưa ra là cách làm của tỉnh không đúng, trái Luật Đất đai, trái Nghị định 84 của Chính phủ. Cụ thể là không công khai, mất dân chủ, vi phạm về trình tự thủ tục thu hồi đất. Lý do lớn nhất khiến người dân phản đối gay gắt dự án là vì giá đền bù quá thấp và thiếu minh bạch.

“Chúng tôi cũng muốn giải quyết dứt điểm để tìm đường làm ăn. Nói thật là không ai lại muốn mất ăn mất ngủ, thậm chí là bị thương như bà Châm để giữ ruộng đất thế này” – ông Vũ Xuân Phương đại diện người dân bị thu hồi đất cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, tại báo cáo số 15/BC-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ngày 11.7, gửi Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng ở KCN nói trên. Theo đó, đến hết ngày 11.7 còn 115 hộ/1.420 hộ của xã Cẩm Điền chưa nhận tiền. Trong 115 hộ nói trên thì có 59 hộ đã nhận đất nông nghiệp thay cho nhận tiền. Còn  56 hộ đã đồng ý trả lời dứt khoát là không đồng ý với phương án đền bù của chính quyền và chủ đầu tư (65.000 đồng/m2), đòi mức bồi thường 694.400 đồng/m2 (250 triệu đồng/sào Bắc Bộ). Ngoài ra, người dân còn đòi bồi thường gần 8 năm không sản xuất nông nghiệp, đòi đất nông nghiệp ở vị trí cũ trong KCN. Bên cạnh đó, riêng xã Lương Điền có 2 ngôi mộ nằm trong KCN nhưng chưa đồng ý phương án di chuyển với lý do đơn giá thấp.

Để triển khai dự án UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành các văn bản giải quyết những tồn tại trong việc giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nhưng đến nay nhiều người chưa đồng thuận.

Ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết: “Tại dự án KCN vừa xảy ra sự việc đáng tiếc, đó là bà Châm va chạm với xe của đơn vị thi công, phải nhập viện như báo chí đã biết. Về dự án, do những khó khăn trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng nên quy mô dự án đã được điều chỉnh từ 205ha xuống còn 150ha. Phần diện tích hơn 50ha này, hiện đang có phương án trả lại ruộng cho các hộ dân; trích tỷ lệ đất 5% cho các hộ bị thu hồi để làm đất ở, kinh doanh... liền kề với KCN. Tuy nhiên, người dân không chịu nhận lại đất và yêu cầu bồi thường số tiền 250 triệu đồng/sào. Nhiều người còn nói, chỉ nhận lại đất ruộng ở vị trí giữa KCN, đó là điều không thể”.

Chưa xong thủ tục chuyển nhượng

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển:
"Tư tưởng là chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh, nhưng phải được thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật, không được bỏ tắt khâu nọ, khâu kia. Trước sự việc xảy ra với bà Châm, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo làm rõ, không bao che cho đơn vị nào. Bên cạnh đó, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cũng nên căn cứ vào các quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng để đưa mức bồi thường phù hợp, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài như thời gian qua”.

Dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền được phê duyệt từ năm 2008, ban đầu dự án  được giao cho Công ty TNHH Phúc Hưng. Sau đó, đơn vị này đã chuyển nhượng cho chủ dự án mới là Công ty TNHH VSIP Hải Dương thực hiện. KCN này được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch từ năm 2007 với tổng diện tích là 205,8ha. Trong đó, quy hoạch KCN gần 184ha; khu nhà ở công nhân, dịch vụ trên 21ha và giao cho Công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong trong công tác giải phóng mặt bằng, đến tháng 9.2010, chủ đầu tư mới chỉ được nhận bàn giao 150ha và hoàn thành san nền khoảng 30ha, xây dựng một phần tường rào, đường trục chính.

Từ năm 2011 đến 2014, dự án dừng thi công để điều chỉnh quy hoạch, trả lại một phần đất cho sản xuất nông nghiệp. Để tái khởi động lại việc xây dựng, từ tháng 4.2015, tỉnh Hải Dương đã chấp thuận chuyển nhượng từ Công ty Phúc Hưng sang cho Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam Singapore (VSIP). Ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH VSIP Hải Dương (công ty con của VSIP) thực hiện dự án. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.185,5 tỷ đồng, thời hạn thực hiện 50 năm và đến hết tháng 12.2016 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng.

Đến thời điểm hiện nay, thủ tục chuyển nhượng KCN này giữa 2 đơn vị: Công ty TNHH Phúc Hưng và VSIP Hải Dương vẫn chưa hoàn tất...

Vậy là, do không tìm được tiếng nói chung trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; thiếu các kênh đối thoại, chia sẻ, nên giữa người dân và doanh nghiệp, chính quyền đã có những hiểu nhầm, thậm chí là xung đột không đáng có. Nếu việc này không sớm  giải quyết, thì KCN vẫn sẽ còn rất lâu nữa mới đi vào hoạt động và làng quê Cẩm Điền vẫn sẽ có những ngày dài không yên ả. Lúc đó, những trường hợp như bà Lê Thị Châm chưa ai dám chắc sẽ không còn xảy ra?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem