Khó khâu bảo quản
Năm 2004, tôi được mời sang dự Hội Quýt của Trung Quốc ở thành phố Liễu Thành. Ở vùng này, người ta đang dần thay thế mía bằng cây quýt. Được dẫn tham quan những vùng quýt 8 tuổi trĩu quả không sâu bệnh, nhưng ăn chỉ thấy hơi ngọt ngọt.
Tôi chợt nhớ cam Hà Giang, Vĩnh Long ăn rất ngọt, nhiều nước, nhưng vỏ quá dày không xuất khẩu được. Hơn nữa, cam Hà Giang mã rất xấu, chỉ có quýt Bắc Sơn mới đánh bạt được quýt Liễu Thành. Quýt Bắc Sơn to bằng quả trứng gà, vỏ mỏng mịn, đẹp mã, chỉ cần bóc ít vỏ là cả phòng ngửi thấy mùi quýt. Ăn vào thấy chua chua, ngọt ngọt, rôn rốt, mua 1 rồi lại muốn mua thêm 10. Thế nhưng, quýt này lại không bảo quản được lâu.
Tại sao cam quýt của mình không chống được sâu bệnh, không bảo quản được lâu? Để trả lời câu hỏi này, tôi quyết định thay đổi kế hoạch, chưa vội về nước mà rủ các doanh nhân Việt Nam đang dự Hội Quýt đi thăm các vùng cam Công Thành, Quế Lâm,... Câu trả lời là ozôn.
Trên đường về Hà Nội, tôi ghé vào UBND tỉnh Lạng Sơn gặp Phó Chủ tịch tỉnh Vi Văn Thành (bây giờ là Chủ tịch tỉnh) đề nghị tự nguyện giúp dân Bắc Sơn-quê hương tiền khởi nghĩa bảo quản quýt được lâu và nâng giá quýt ở đây lên ít nhất là 5 lần, và phải đi ngược dòng sang Trung Quốc.
Sở KHCN Lạng Sơn, Ủy ban Dân tộc miền núi Lạng Sơn hết lòng tạo điều kiện để tôi thực hiện được mơ ước đó. Kết quả là bà con ở Bắc Sơn bán được từ 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Hai mươi chín Tết, ông Vi Văn Thành báo cho tôi biết quýt Bắc Sơn cháy chợ Đông Kinh, Lạng Sơn, khách Trung Quốc vào tìm mua mà không có. Còn ở Hà Nội tới Tết Nguyên tiêu, gia tộc, thân hữu, học trò tôi lần đầu tiên được ăn quýt Bắc Sơn vì tôi giữ được 3 tạ đến tết hôm đó.
Lo khâu sâu bệnh
Năm nay một số người ở các vựa cam, quýt trên vùng núi phía Bắc cũng như quanh Hà Nội đều buồn, nói với tôi về sự thoái hóa của các vườn cây. Ngay ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) có 152ha trồng cam, quýt, bưởi, nhưng cây nào cũng đầy sâu, nhiều cây không có quả đã mấy năm, số diện tích có cây bị chặt bỏ ngày càng tăng.
Đầu tháng 10 vừa rồi, tôi và một đài truyền hình đã đến quay cảnh tượng đó, nhưng rồi lại không đưa lên màn hình vì thương nông dân quá. Năm ngoái, tôi về Đông Tảo, Hưng Yên (26 tháng 12) rất nhiều bà con than rằng cam Canh, bưởi Diễn của họ đang ngày càng ít quả, nhiều bệnh do sâu bọ gây ra.
Nhưng năm nay tôi rất mừng vì lần đầu tiên ở Việt Nam có một phụ nữ nông dân tên là Lan có vườn cam, bưởi hơn 250 cây không bón phân vô cơ, không dùng thuốc trừ sâu, nhưng lá cây không có dấu vết sâu bọ, vỏ quả không trông thấy dấu vết bệnh tật. Đây là một trong vài vườn cây còn sót của xã Võng Xuyên (Phúc Thọ, Hà Tây).
Trong một buổi nghe tôi hướng dẫn cho Hội Phụ nữ của 7 huyện miền tây Hà Nội về sử dụng điện hợp lý trong hộ gia đình. Tôi có đề cập vài phút tới phương pháp đuổi sâu, diệt bọ bằng anolyt và đèn LED-pin mặt trời. Lúc giải lao rất nhiều các chị đề nghị tôi về xã họ để hướng dẫn cách cứu cam, bưởi, quýt và sử dụng điện hợp lý trong nhà mình. Chỉ có mỗi gia đình chị Lan thực hiện đúng tất cả những gì tôi đã hướng dẫn.
Điều kỳ diệu đã tới: Chỉ sau 1 tháng sử dụng Anolyt, dưới gốc cây hầu như không thấy quả rụng, không lá nào bị sâu cắn, rệp trắng và rệp bồ hóng như ở các vườn cây khác. Chị Lan phấn khởi giơ những tờ giấy của khách đề nghị bán với giá 100.000 đồng/quả. Có giấy ghi: “Em để những trái cây này lên bàn thờ họ, chị nhớ dành cho em những quả trông bắt mắt, không có thuốc trừ sâu”.
Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.