Theo VASEP, việc thiếu vốn trầm trọng hiện đã làm nhiều nhà máy, DN trong toàn ngành cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp khó khăn. Hiện có hơn 50% các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng. Hơn 40% các doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản cũng đã ngừng hoạt động. Tất cả các dự án đầu tư cho cá tra đều ngưng lại. Hàng ngàn lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
VASEP cũng đưa ra nhận định: Hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cá tra từ chỗ được đánh giá là đầy tiềm năng thì nay được đưa vào danh sách các ngành có tính rủi ro cao để đầu tư, nhất là sau những thông tin xấu về phá sản của một vài công ty xuất khẩu cá tra đã khiến ngân hàng càng thắt chặt tín dụng ngay cả đối với các DN có dự án phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 420 triệu USD, tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường khác cũng giữ mức tăng trưởng ổn định và mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD cá tra năm nay là trong tầm tay. Tuy nhiên, theo VASEP, mục tiêu 2 tỷ USD và cơ hội trên chỉ thành hiện thực khi ngành ngân hàng chịu ra tay cứu các DN thủy sản, còn nếu vẫn tiếp tục siết chặt tín dụng như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ “chết” hết ngay trong quý III tới.
Trước thực trạng trên, VASEP đã có công văn khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Thủ tướng Chính phủ đề nghị được hỗ trợ vay vốn khẩn cấp cho 20 doanh nghiệp cá tra có tiềm năng xuất khẩu lớn và tài chính lành mạnh ngay trong quý II với tổng nguồn vốn vay là 2.000 tỷ đồng.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.