Ông Diễn có anh trai là Trần Văn Khương- nguyên là xã viên Hợp tác xã Đánh cá biển Điện Biên (xã Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An) tham gia đưa thuyền đi vận tải đường sông, đường biển để phục vụ kháng chiến chống Mỹ những năm 1966-1969.
Các ông Hồ Xuân Lương, Phạm Đình Vinh, nguyên xã đội trưởng, xã đội phó Xã đội Hưng Nhân năm 1967 - 1968, trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bốc dỡ giải tỏa hàng trên thuyền xác nhận: Ngày 11.07.1968, khi thuyền vận tải của HXT Đánh cá Điện Biên, trong đó có ông Khương đi trên sông Lam thuộc địa bàn xã Hưng Nhân thì máy bay Mỹ phát hiện và đánh phá. Thuyền bị hư, ông Khương hy sinh tại chỗ và được dân quân xã Hưng Nhân chôn cất. Đảng và chính quyền xã Nghi Quang tổ chức lễ truy điệu ông Khương như trường hợp hy sinh ngoài mặt trận.
Thời điểm ông Trần Văn Khương hy sinh, ông Trần Ngọc Diễn (sinh năm 1940) đang đi bộ đội, sau đó chuyển ngành làm giáo viên dạy học ở Quảng Bình. Ở quê nhà ông Khương chỉ còn lại mẹ già, vợ và 2 em gái. Sau đó, mẹ và vợ ông Khương chết, các em gái của ông Khương đi lấy chồng ở xa. Do đó việc đề nghị, làm thủ tục công nhận danh hiệu liệt sĩ cho ông Trần Văn Khương không có ai lưu tâm tới và chính quyền địa phương cũng quên lãng.
Từ ngày ông Trần Ngọc Diễn về hưu tại Nghi Quang đã tìm hiểu sự hy sinh của anh mình và cất công đi tìm các nhân chứng xác nhận trường hợp hy sinh rồi làm đơn đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho anh mình. Thế nhưng, câu trả lời là ông Khương chưa thể được công nhận là liệt sĩ vì còn thiếu giấy báo tử của Ty Giao thông Vận tải Nghệ An và giấy điều động ông Khương đi làm nhiệm vụ của Ty. Những người cùng thời với ông Khương cho biết: Thời đó, có lệnh trên truyền xuống đưa thuyền đi chở hàng phục vụ kháng chiến là đi, không có giấy tờ. Còn giấy báo tử thì gia đình làm thất lạc.
Sau đó, Bộ LĐTBXH hướng dẫn làm hồ sơ truy tặng danh hiêu liệt sĩ cho các đối tượng tồn đọng, năm 2011 ông Diễn tiếp tục nộp hồ sơ nhưng mãi không thấy trả lời. Quá mệt mỏi và già yếu, ông Diễn không đi hỏi lại. Gần đây, ông nhờ một người cháu lên hỏi thì chuyên viên Phòng LĐTBXH huyện Nghi Lộc hồn nhiên trả lời: "Từ ngày bác gửi đơn đến nay, bác không thường xuyên hỏi nên em quên mất. Nếu bác không lên thì hồ sơ về ông Khương không biết khi nào mới làm". Vậy là việc ghi công một con người bị quên lãng vì một lý do... lãng xẹt.
Nguyễn Minh Giảng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.