Cán bộ, công chức đi lễ chùa đốt hương, vàng mã không ảnh hưởng GDP

Phi Long Thứ năm, ngày 29/03/2018 11:30 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế xã hội quý I. 2018.
Bình luận 0

img

Trả lời câu hỏi vì sao GDP tăng mạnh trong quý I. 2018 nhưng trên các phương tiện truyền thông lại thấy xuất hiện rất nhiều các cán bộ, công chức, viên chức đi lễ chùa trong giờ hành chính bị xử lý kỷ luật. Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, thực tế việc cán bộ công chức, viên chức đi lễ chùa trong giờ hành chính đã giảm so với nhiều năm trước.

“Việc các bộ, công chức, viên chức đi lễ chùa hay tình trạng đốt hương, đốt vàng mã…là hành vi bị phê phán và không nên cổ súy cho hiện tượng này nhưng nếu xét về GDP thì đó cũng là tiêu dùng không ảnh hưởng gì tới kết quả của GDP”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Nói về sức khỏe của doanh nghiệp, ông Lâm cũng cho biết không thể chỉ thông qua mấy chỉ tiêu có thể phản ánh ngay được sức khỏe của doanh nghiệp. Nếu chỉ xem số lượng thành lập, số vốn, quy mô…của doanh nghiệp thành lập và phá sản thì không thể đánh giá được sức khỏe của doanh nghiệp. “Hiện doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin họ đã và đang sử dụng lao động rất ít. Đặc biệt, những năm gần đây chúng ta phát triển mạnh kinh tế tư nhân, phần lớn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp này sử dụng lao động cũng ít”, ông Lâm nói.

Nói về mục tiêu tăng trưởng 6,7%, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, cả nền kinh tế đang ra sức phấn đấu đạt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp và ngay sáng ngày mai (30.3) Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ có buổi họp với các bộ ngành để bàn các giải pháp quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%/năm.

Ông Lâm cũng phân tích, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại nhưng có thể đó chỉ là yếu tố chính trị. “Tôi không nghĩ chiến tranh thương mại sẽ xảy ra và kéo dài vì Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm có thỏa hiệp. Chúng tôi lo nhất là chính sách cải cách của Mỹ và giảm thuế sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam nhiều hơn chứ chiến tranh thương mại về cơ bản là không lo vì khó có thể xảy ra”, ông Lâm phân tích.

Theo ông Lâm, khi thuế ở Mỹ giảm thì dòng vốn đầu tư sẽ có tác động ngược chiều, người Mỹ rút vốn về đầu tư trong nước và nhiều nhà đầu tư khác cũng tìm đến Mỹ để đầu tư. Do đó, cắt giảm thuế của Mỹ có thể có khoảng 75% tài sản vốn chu chuyển sẽ có thay đổi, từ đó ảnh hưởng lớn tới thay đổi kinh tế của thế giới và sẽ có tác động tới Việt Nam.

Ông Lâm cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% không phải đơn giản, nếu Chính phủ và các bộ ngành không có các giảm pháp quyết liệt. Năm 2017 độ mở của nền kinh tế gấp đôi, khoảng 200%, qua đó cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục thuộc lớn vào tổng cầu của thế giới. Ngoài ra, trong 2018, động lực trong nước có tổng cầu với mức bán lẻ, tiêu dùng dân cứ tăng đều đặn so với các quý trong năm.

Ông Lâm cũng cho rằng, một thông tin rất mừng, khu vực nông lâm nghiệp thủy sản tăng mạnh, thể hiện qua chính sách tái cơ cấu ngay trong nội bộ ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả. Từ sản xuất nông nghiệp sang thủy sản, sản xuất lúa gạo cũng chuyển sang sản xuất sản phẩm có chất lượng cao…đây cũng là một trong những nhóm giải pháp để Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.

Liên quan tới một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ đánh thuế như cá tra, thép, máy giặt… ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, về máy giặt chúng tôi đang rà soát lại nhưng chủ yếu là sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Samsung nên cần xem chiếm tỉ trọng của doanh nghiệp này xuất khẩu sang Mỹ bao nhiêu. Theo số liệu ban đầu thì tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ mặt hàng này cũng nhỏ nhưng chúng tôi không chủ quan mà đưa ra khuyến cáo ngành Công Thương cần tìm thị trường mới cho mặt hàng này.

Về mặt hàng thép, việc đánh thuế của Mỹ hiện chưa ảnh hưởng tới mặt hàng thép của Việt Nam. Còn mặt hàng cá tra, việc đánh thuế tăng rất cao nên chúng ta đang đưa ra bằng chứng để đàm phán lại với Mỹ, đồng thời tìm thị trường mới thay thế cho thị trường Mỹ.

GDP tăng kỷ lục trong 10 năm

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1.2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,95%, đóng góp 0,46 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm %, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,7%, đóng góp 2,75% điểm %.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem