Cán bộ Đoàn nói về vụ 3 nữ sinh bị lũ cuốn

Hạ Nhiên Thứ hai, ngày 04/07/2016 15:02 PM (GMT+7)
Sự ra đi đột ngột của 3 nữ sinh Ngoại thương trong chiến dịch tình nguyện khiến nhiều người đau xót.
Bình luận 0

Chiều 2/7, khi đi qua khu vực cầu Pác Hoóc, thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, 3 nữ sinh Ngoại thương tử nạn vì bất ngờ gặp lũ. Đợt tình nguyện Mùa hè xanh tại đây là hoạt động cuối cùng trong cuộc đời của 3 cô gái xinh đẹp tuổi mười chín, đôi mươi này.

img

Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 sinh viên tình nguyện vào rạng sáng ngày 3.7

Sự ra đi đột ngột của 3 nữ sinh khiến nhiều người đau xót. Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc này là chiến dịch tình nguyện của Đoàn trường Ngoại thương tổ chức thiếu khoa học, thiếu an toàn.

Vậy sự việc đáng tiếc xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Và trước mỗi đợt tình nguyện xa, sinh viên sẽ được huấn luyện kỹ năng sống ra sao?

TS. Trần Bách Hiếu (Bí thư Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) - người có nhiều kinh nghiệm trong nhiều hoạt động tổ chức tình nguyện đã chia sẻ với chúng tôi vấn đề này!

Tham gia công tác Đoàn nhiều năm, anh đón nhận thông tin về vụ 3 nữ sinh Ngoại thương tử nạn như thế nào?

Khi nghe được thông tin này, tôi cũng rất buồn. Các em đều còn quá trẻ. Chiến dịch tình nguyện của Đoàn trường Ngoại thương mới diễn ra một tuần đã phải đón nhận tin xấu như vậy, hẳn ai cũng bàng hoàng.

Tôi xin chia sẻ sự mất mát này với gia đình, bạn bè các em cũng như Đoàn thanh niên trường ĐH Ngoại thương.

img

TS. Trần Bách Hiếu - Bí thư đoàn trường ĐH KHXH & NV 

Nhiều ý kiến cho rằng, đoàn trường Ngoại thương đã sơ suất trong cách tổ chức chiến dịch tình nguyện, thiếu huấn luyện kỹ năng cho tình nguyện viên dẫn đến sự việc đáng tiếc này?

Sự ra đi của 3 nữ sinh cũng là mất mát lớn đối với Đoàn thanh niên sinh viên của trường ĐH Ngoại thương.

Từ xưa đến nay, trong hoạt động tình nguyện của các trường ĐH, đặc biệt là trường Ngoại thương luôn đề cao sự an toàn của các tình nguyện viên. Tôi nghĩ, Đoàn trường Ngoại thương cũng đã có đợt tập huấn, nhắc nhở cho các em sinh viên, lên kế hoạch cụ thể, chu đáo trước khi chính thức ra quân tình nguyện. Sự việc đáng buồn vừa qua thực sự là một sự cố không thể lường trước và cũng không ai mong muốn.

Điều quan trọng lúc này là phải bình tâm xem xét kỹ lưỡng mọi việc, nghiêm khắc đánh giá lại công tác tổ chức hoạt động, cố gắng và quyết tâm không để xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy nữa trong các hoạt động tình nguyện sau này.

Vậy trước mỗi chuyến đi xa, sinh viên tình nguyện có được tham gia khóa đào tạo nào về kỹ năng sống cũng như kỹ năng sinh tồn tại các vùng khó khăn?

Riêng ở trường ĐH KHXH& NV, trong những chiến dịch tình nguyện, đặc biệt ở tình nguyện ở xa thì tập huấn được coi là nội dung trọng điểm bởi với chúng tôi, an toàn của các tình nguyện viên luôn ở vị trí số 1.

Sinh viên muốn tham gia tình nguyện, phải có đơn xin tham gia một cách tình nguyện cùng với đó phải có những cam kết về các hoạt động được phép và không được phép làm theo quy định của Đoàn trường. Tại nơi tình nguyện, trước những đề xuất của địa phương, nếu cảm thấy không thể đáp ứng vì thiếu an toàn thì đội tình nguyện có quyền trả lời ngay lập tức là không tham gia.

Trước khi ra quân, chúng tôi cũng có những buổi tập huấn về các kỹ năng như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sơ cứu, kỹ năng ứng xử, hòa hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương… Ngoài ra, còn có những buổi phổ biến về quy định chung của chiến dịch, nhắc nhở các bạn về những điều được phép hoặc không được phép làm.

img

TS. Bách Hiếu cho hay, các tình nguyện viên luôn được tập huấn kỹ càng trước khi ra quân

Cả chiến dịch tình nguyện kéo dài hàng tháng trời với nhiều hoạt động khác nhau tại những vùng khó khăn, liệu 1, 2 buổi tập huấn đó có đủ?

Mỗi chiến dịch tình nguyện được chúng tôi chuẩn bị từ đầu năm học mới, trong đó có 3 tháng cao điểm từ khi phổ biến thông tin cho đến khi ra quân. Chúng tôi tiến hành tập huấn và tuyên truyền quy định, nguyên tắc trong suốt quá trình đó.

Hơn nữa, cần phải nói rõ thế này. Chúng tôi chỉ có thể tập huấn những kỹ năng cần thiết nhất, quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến chiến dịch tình nguyện, còn các kỹ năng sống khác mỗi bạn sinh viên đều phải tự trau dồi và rèn luyện trong cuộc sống của mình. 

Điều quan trọng nhất của việc tập huấn trước khi ra quân là nâng cao ý thức trách nhiệm của các tình nguyện viên với chính sự an toàn của bản thân cũng như hoạt động chung của tập thể. Mọi lý thuyết về kỹ năng sinh tồn, mọi lời nhắc nhở chỉ là lý thuyết suông nếu các bạn không có ý thức, trách nhiệm.

Và trên thực tế, mọi quy định đều chỉ có tính tương đối nên khi tuyển chọn tình nguyện viên, chúng tôi có những tiêu chí cụ thể.

Cụ thể, đó là những tiêu chí gì, thưa anh?

Trước hết là sự tự nguyện. Tình nguyện mà có sự ép buộc thì nó không còn ý nghĩa nữa.

Tiếp theo là sức khỏe. Tham gia tình nguyện là phải chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với những thách thức ở địa bàn còn khó khăn. Không có sức khỏe không thể làm được. 

Ba là phải có tinh thần làm việc vì tập thể, tôn trọng tập thể, thể hiện được mong muốn đóng góp, xây dựng cho tập thể để cống hiến vì cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.

Bốn là phải có tính kế hoạch, tính kỷ luật.

Cuối cùng là phải có các kỹ năng phù hợp với hoạt động tình nguyện. Không thể chọn những bạn không biết bơi tham gia tình nguyện ở vùng biển được. Kỹ năng sẵn có của mỗi sinh viên luôn là yếu tố rất cần thiết. 

img

Theo TS. HIếu, an toàn của các tình nguyện viên luôn là mục đích cao nhất của các chiến dich tình nguyện

Có ý kiến cho rằng, đưa sinh viên y khoa, sinh viên sư phạm về vùng sâu vùng xa chữa bệnh, dạy chữ là tốt nhưng đưa sinh viên về đào ao, làm đường, cấy gặt thì phí hoài chất xám, anh có đồng ý?

Bất cứ điều gì xuất phát từ cái tâm con người đều tốt, đừng “ném đá” nó. Hoạt động tình nguyện đẹp lắm, ai khoác màu áo xanh tình nguyện lên người đều sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích cộng đồng. Không thể nêu gương họ thì cũng đừng chỉ trích họ.

Mọi hoạt động tình nguyện kể cả là đào ao, làm đường, cấy gặt… nếu xuất phát từ cái tâm thì đều cho các tình nguyện viên những trải nghiệm và bài học quý báu. 

Riêng đoàn trường ĐH KHXH & NV, trong tổ chức hoạt động tình nguyện luôn đề cao việc phát huy chuyên môn của các sinh viên như: Tuyên truyền văn hóa – lịch sử đất nước, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tri ân đền ơn đáp nghĩa…

Nhưng mỗi chiến dịch tình nguyện là một chuỗi các hoạt động kết hợp, nếu cần, sinh viên cũng sẵn sàng tham gia lao động cùng nhân dân địa phương… theo đúng tinh thần “đi dân nhớ, ở dân thương”. 

Sau sự việc này, anh có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên tham gia chiến dịch tình nguyện ở xa?

Khi tham gia hoạt động tình nguyện, mỗi tình nguyện viên phải tuân thủ nguyên tắc không tách mình ra khỏi tập thể, không một ai được phép có hoạt động riêng. Đoàn trường ĐH KHXH & NV luôn có các quy định như: tình nguyện viên không được đi một mình, một nhóm hoạt động phải có cả nam lẫn nữ, trong bất cứ hoạt động nào cũng phải có đoàn viên địa phương đi cùng…

Các bạn sinh viên lần đầu tham gia tình nguyện nhất thiết phải biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đã tham gia trước đó, rèn luyện kỹ năng trước đã rồi hãy “vào cuộc”.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem