Cán bộ phải xuống thôn, ấp, xã, phường thường xuyên để nghe dân nói

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 20/09/2019 17:46 PM (GMT+7)
Tại buổi tọa đàm đóng góp ý kiến xây dựng 2 Nghị quyết: “Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại” và “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho nông dân” của Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN), ngày 20/9 tại Tiền Giang, đã có ý kiến đề nghị cán bộ, nhất là cán bộ Hội ND phải xuống thôn, ấp, xã, phường thường xuyên nắm bắt, ghi nhận ý kiến người dân...
Bình luận 0

Ông Trần Văn Chính - Phó ban Xây dựng Hội (Hội ND tỉnh Tiền Giang) đặt vấn đề, tại sao thành viên các hội, đoàn khác đều mặc đồng phục, mang huy hiệu của họ, còn Hội ND không thể?

“Tôi nghĩ, để có màu cờ, sắc áo, rõ nét hơn, Hội nên có đồng phục riêng. Cán bộ, hội viên nông dân mặc đồng phục, mang huy hiệu Hội mỗi khi tham dự hội họp, đi làm…”, ông Chính chia sẻ.

img

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định (phải) trao đổi với nông dân trong chuyến khảo sát tại tỉnh Tiền Giang.

Ông Đỗ Tấn Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, trong một số lần đi tiếp xúc cán bộ, hội viên nông dân, nhiều người cũng thắc mắc tại sao Hội không có đồng phục?

HND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh có hơn 10.000 cán bộ, hội viên nông dân.

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Thào Xuân Sùng cũng có ý định cho cán bộ, hội viên nông dân mang huy hiệu khi đi làm.

Về công tác cán bộ Hội, ông Chính cũng có ý kiến, cán bộ trung ương nên tăng cường về cơ sở để lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, búc xúc của nông dân.

“Để tăng cường quản lý cán bộ, thời gian qua, Hội ND tỉnh Tiền Giang yêu cầu cấp cơ sở hàng tuần phải gởi báo cáo kế hoạch sinh hoạt. Cán bộ tỉnh Hội sẽ đi kiểm tra đột xuất, nếu sai phạm sẽ trừ điểm thi đua”, ông Chính cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Trần Quang Trung - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi đồng tình với ý kiến cán bộ Hội nên tăng cường đi cơ sở để nắm bắt kịp thời ý kiến, nguyện vọng của bà con nông dân để kiến nghị xử lý”.

Theo Nghị quyết về  “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội NDVN đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới” vừa được Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN ban hành, cán bộ cấp trên sẽ được luân chuyển về cơ sở để làm nhiệm vụ.

Theo ông Hùng, toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay có 201 HTX nông nghiệp, 530 THT nông nghiệp-thủy sản.

Bà Võ Thị Ngọc Trâm-Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNN tỉnh Tiền Giang cho rằng, Hội ND cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia HTX, THT.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Dân - đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang, vấn đề phát triển HTX, THT không phải chỉ là đi vận động nông dân mới tham gia mà cái chính là hiệu quả hoạt động của HTX, THT.

img

Nông dân Tiền Giang thu hoạch mít Thái.

“Nếu HTX, THT làm ăn có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho thành viên thì không cần vận động nông dân cũng xin vào. Vì thế, Hội phải có đối sách phát triển HTX, THT hiệu quả”, ông Dân khẳng định.

Ông Dân lấy ví dụ việc huyện Chợ Gạo gặp khó khăn khi thành lập các HTX, THT, trong khi vùng này thanh long nổi tiếng chất lượng.

 Điều ông Dân nói cũng lý giải cho việc, tỉnh Tiền Giang có khoảng 200.000ha đất lúa, nhưng năm qua chỉ làm được 4.500ha cánh đồng lớn do nông dân không hăng hái tham gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem