Cần chính sách cụ thể hỗ trợ làng nghề

Thứ sáu, ngày 01/02/2013 16:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng nghề, nghề truyền thống là nét đặc trưng của nông thôn Hà Nội. Xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công chỉ khi làng nghề, nghề truyền thống phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh...
Bình luận 0

Đó là khuyến nghị của nhiều đại biểu tại Hội thảo "Xây dựng NTM và phát triển làng nghề" do Hội ND thành phố Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 31.1.

img
Cốm tươi - một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội).

Cha truyền, con không nối

Theo ông Lê Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có số làng nghề nhiều nhất (1.350 làng nghề trong tổng số 3.350 làng nghề cả nước).

Ông Trần Bá Hinh - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho biết: “Hơn 200 hộ dân của làng nghề Chuôn Ngọ sống khá giả nhờ nghề khảm trai truyền thống. Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, nhu cầu trong nước và quốc tế suy giảm, nhưng người dân vẫn sống bằng nghề truyền thống…”.

Thừa nhận thủ đô là đất trăm nghề, sản phẩm làng nghề tinh xảo mang đặc trưng bản sắc văn hóa, nhưng tại hội thảo, các đại biểu cũng thừa nhận một thực tế đau lòng là hiện nay các làng nghề đang sống “cầm chừng”. “Không chỉ Hà Nội mà hiện nay cả nước có tới 50% làng nghề không tìm được đầu ra; 80% số làng nghề, ND làm nghề truyền thống không vay được vốn của Chính phủ; cơ sở hạ tầng cho làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ... Khó khăn của làng nghề dẫn tới một thực trạng đáng buồn là “cha truyền nhưng con không chịu nối…” - ông Dần trăn trở.

Đồng ý với những khó khăn của làng nghề mà ông Dần đưa ra, Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, sản phẩm làng nghề tinh xảo nhưng chưa có thương hiệu, mẫu mã, công dụng đơn điệu và chưa có đầu tư nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của thị trường - vốn luôn đòi hỏi sự sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được bản sắc…

Chính sách cần sát thực tế

Ông Khiết chia sẻ: “Phát triển làng nghề là ND, xây dựng NTM cũng là ND. Chính vì vậy phát triển làng nghề và xây dựng NTM hòa quyện, ràng buộc nhau. Đất nghề, thu nhập của ND từ nghề, vì vậy xây dựng NTM không thể thiếu sự quan tâm, đầu tư phát triển làng nghề bền vững”.

“Năm 2013 là Năm Du lịch quốc gia làng nghề. Các cấp Hội ND thành phố sẽ phối hợp vận động hội viên, ND tích cực tham gia cùng với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ở một số nội dung, sự kiện”.

Chính vì mối liên quan chặt chẽ qua lại như vậy nên tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất T.Ư cũng như Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển làng nghề. TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN cho rằng, chính sách về phát triển làng nghề cần sát với thực tế, càng cụ thể càng tốt, trong đó có việc hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng, thẩm mỹ của sản phẩm và ưu đãi nghệ nhân, công nhân làng nghề.

“Chúng ta phải đối xử với nghệ nhân làng nghề như nhà sư phạm. Chính nghệ nhân nghề đã góp phần quan trọng gìn giữ và làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam như hiện nay”- TS Hóa bày tỏ.

Một trong những “kế sách” vực dậy làng nghề truyền thống mà nhiều đại biểu đề xuất là kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem