Cần có quy định cụ thể siết tình trạng "báo hóa" tạp chí
Cần có quy định cụ thể siết tình trạng "báo hóa" tạp chí
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 24/12/2022 18:10 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 24/12 tại TP.HCM, vấn đề "báo hoá" tạp chí được đề cập đến khá nhiều.
Ông Lê Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, năm 2022, lần đầu tiên các tiêu chí nhận diện "báo hoá" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí được Bộ Thông tin và truyền thông chỉ rõ, công khai. Công tác xử lý "báo hoá" tạp chí, "tư nhân hoá" báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Là địa phương có hoạt động báo chí rất sôi nổi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn thông tin, từ 28 cơ quan báo chí, TP.HCM đã sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí (gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí), giảm 9 cơ quan báo chí so với trước.
Về cơ bản, các cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản đều ổn định về hoạt động. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, các cơ quan báo chí cũng gặp một số khó khăn.
Điều băn khoăn là Quyết định 362 của Thủ tướng Chính phủ quy định "Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử".
Ông Sơn cho biết, hiện nay, các báo của TP.HCM sau khi chuyển đổi thành tạp chí đều có trang điện tử hoạt động. Hầu hết, các nội dung thông tin, tổ chức hoạt động trên các sản phẩm này đều thể hiện như trước, chỉ thay đổi danh xưng theo giấy phép hoạt động là "tạp chí".
Điều đó lại bị vướng vào tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử (như Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Du lịch, Tạp chí Giáo dục TP.HCM...).
"Việc "báo hóa" tạp chí ở các cơ quan tạp chí của TP.HCM không thực sự rõ nét nhưng với quá trình cạnh tranh thông tin, với tác động chung và nhu cầu cung cấp thông tin của đối tượng bạn đọc, nếu không có những giải pháp khác hoặc được điều chỉnh quy định cụ thể, có thể sẽ trở thành những vi phạm đáng lưu ý", ông Sơn nhận định.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc xử lý về tài sản, công nợ, nhân sự… còn có những khó khăn, cần sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương để giải quyết triệt để.
Từ đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM kiến nghị cần có hướng dẫn về lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025. Trong đó xem xét, có thể giao sự chủ động cho các địa phương tổ chức thực hiện theo nhu cầu, điều kiện, đặc thù cụ thể của từng địa phương.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan báo chí bám sát, thực hiện tốt các mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII cũng như đề án quy hoạch và quản lý báo chí, nhằm xây dựng báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Trong đó, phải đặt sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trong mọi hoạt động của báo chí với tinh thần phải xuyên suốt.
"Tại các hội nghị Trung ương đều nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh cao cả, hệ trọng của báo chí. Mọi hoạt động của báo chí đều tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng, trên tất cả các lĩnh vực", ông Nghĩa nói và yêu cầu các cơ quan báo chí phải xác định sứ mệnh của mình để làm tốt hơn nữa.
Báo chí cần đi vào những điểm mới, điểm khó, những vùng sâu, vùng xa để đồng hành cùng dân tộc định hướng dư luận và bám sát, phản ánh thực tiễn hết sức phong phú của nhân dân, đất nước… Đồng thời tiếp tục phát huy dân chủ gắn với sứ mệnh, trách nhiệm, kỷ cương, để luôn đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia dân tộc, hướng tới giá trị nhân văn..
Ngoài ra, báo chí cần nhận thức đầy đủ hơn chức năng, nhiệm phản biện xã hội. Báo chí phải đề cao, làm tốt việc này, góp phần tham gia khắc phục được các điểm nghẽn. Từ đó mới làm cầu nối đưa Đảng đến gần dân hơn, để ý Đảng và lòng dân gắn kết với nhau hơn. Trong phản biện, phải phê phán những quan điểm sai trái và không được lợi dụng vai trò, chức năng để làm sai đạo đức nghề báo hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, báo chí phải tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả các lĩnh vực và tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin đối ngoại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.