Đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà G.T.S.H làm chủ, mở cửa từ 8 - 20 giờ hằng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Nhưng khi đóng cửa, mái ấm này trở thành "địa ngục trần gian" đối với những đứa trẻ...
Theo các clip, bảo mẫu tại cơ sở này đã có hành vi đánh đập dã man trẻ nhỏ. Thậm chí, bảo mẫu dùng một tay xách trẻ, ném lật úp lên nệm, đánh vào tay chân…
Chưa dừng lại, bảo mẫu còn ngồi lên người các trẻ sơ sinh, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp, có bé bị đánh đến chảy máu miệng.
Sau khi sự việc được phản ánh, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc. Cơ quan Công an đã triệu tập, tạm giữ những người liên quan để làm rõ vụ việc.
Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc bởi những người lớn có đạo đức
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật.
Người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em lại là người có chức năng bảo vệ, giáo dục trẻ em, đang mang danh nghĩa thiện nguyện, đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Sau Hiến pháp, các văn bản luật như Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự…đều có các quy định cụ thể hóa nội dung Hiến pháp để bảo vệ quyền trẻ em.
Bởi vậy, hành vi bạo hành, bạo lực, đánh đập, hành hạ trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, trong vụ việc nêu trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập các dữ liệu điện tử từ camera giám sát, thu thập thông tin từ các phóng sự điều tra của phóng viên, lấy lời khai của những người có liên quan, thu thập dấu vết để lại trên hiện trường.
Với những hành vi dùng đũa, chổi đánh vào người các cháu bé ở độ tuổi còn quá nhỏ, hành vi tát, quăng quật, ném các cháu bé xuống sàn hoàn toàn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng đối với các cháu bé.
Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích, xác định hậu quả của hành vi bạo hành làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả xác minh, giám định cho thấy đã có cháu bé bị thương tích, dù dưới 11%, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bảo mẫu có hành vi đánh đập cháu bé về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự, với hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.
Còn trường hợp các cháu bé không có thương tích, hậu quả chỉ là tổn thương tâm lý, vẫn có thể xử lý hình sự đối với các bảo mẫu thực hiện hành vi về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự do hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc, với hình phạt thấp nhất là 3 tháng, cao nhất 3 năm tù.
"Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc bởi những người lớn có đạo đức, có tình yêu thương và có kỹ năng, nghiệp vụ. Vì vậy, ngoài việc làm rõ nguyên nhân, xử lý những người liên quan, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý cơ sở bảo trợ xã hội này" – ông Cường nhấn mạnh.
Chiều 4/9, ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐTB&XH quận 12 cấp phép hoạt động ngày 7/7/2023 với chức năng, nhiệm vụ trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang.
Cơ sở được nhận tối đa 39 trẻ nhưng đã tiếp nhận 85 cháu, trong đó có 15 trẻ sơ sinh (dưới một tuổi) chưa đầy đủ giấy tờ. Cơ sở do quận 12 cấp phép nên việc tiếp nhận này đơn vị phải chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương.
Theo ông Minh, hiện, TP.HCM có 79 cơ sở bảo trợ xã hội, 16 công lập, 63 cơ sở ngoài công lập do thành phố và địa phương cấp phép. Phần lớn các đơn vị thực hiện theo tiêu chí an toàn, khỏe mạnh cho các bé.
Hàng tháng, quý, đơn vị quản lý đều có báo cáo từ các cơ sở, mái ấm nhưng chưa từng ghi nhận phản ảnh hay khuyến cáo gì về sự an toàn, chăm sóc trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng.
"Tiêu cực lần này có sự buông lỏng quản lý từ địa phương. Chúng tôi rất tiếc đã để lọt lưới hành vi nghiêm trọng như vậy", ông Minh nói và cho biết thêm, công an đã mời chủ cơ sở và 16 nhân viên gồm bảo vệ, lái xe...lên làm việc, kể cả thu chi của Mái ấm Hoa Hồng đang được làm rõ. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên công an chưa cung cấp thông tin.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH TP.HCM khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, rất đáng tiếc, những tổ chức, cá nhân liên quan chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh, không bao che. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.