Điểm sáng Quỳnh Phú
Là một trong những xã về đích sớm của Gia Bình, đến nay, Quỳnh Phú đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí, đạt 100% kế hoạch đề ra. Ông Hoàng Văn Khuê - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình cho hay, Quỳnh Phú là xã thuần nông sản xuất nông nghiệp chiếm 80%, diện tích của xã là tự nhiên 792,72ha, tổng số nhân khẩu khoảng 7.656.
Thời gian đầu, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi và lấy công nghệ cao làm đòn bẩy để nâng cao hiệu quả kinh tế. Kết quả là đến thời điểm này, toàn xã có nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Nuôi cá lồng VietGAP đang hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững ở một xã của huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Ảnh: Hải Đăng
Đến nay, toàn huyện Gia Bình đã huy động trên 935 tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó, vốn doanh nghiệp hỗ trợ chiếm 0,56%, vốn nhân dân đóng góp chiếm 1,1%.
|
"Hiện, đời sống nhân dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, hộ gia đình khá giàu ngày một tăng, hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm và mục tiêu sẽ đạt trên dưới 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2019" - ông Khuê khẳng định.
Bên cạnh việc sản xuất, xã cũng đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu khác. Cụ thể đến nay, Quỳnh Phú hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi, NTM với 100% các tuyến đường nông thôn, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã đáp ứng được nhu cầu sản xuất dân sinh, tưới tiêu nước đạt 100% diện tích đất nông nghiệp... Điều đáng biểu dương nữa là tiêu chí môi trường tại Quỳnh Phú được triển khai rất bài bản, hiệu quả.
"Cuộc cách mạng xanh"
Không chỉ Quỳnh Phú mà cả 13 xã của huyện Gia Bình đều cán đích NTM. Huyện đến nay đã hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM. Gia Bình có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,9 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách bình quân tăng trên 19%/năm...
Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình cho hay, nhờ có cách làm hay tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí mà 100% các tuyến đường giao thông được trải nhựa, hoặc bê tông hóa, 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 về y tế, 46 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Toàn huyện xây dựng 5 nhà máy nước sạch, 68 điểm tập kết rác thải và hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao có bước tiến bộ vượt bậc, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%.
Ông Phạm Công Quyện - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình cho biết, một trong những cái được nhất trong xây dựng NTM của địa phương là việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, toàn huyện có 250 máy làm đất các loại, 80 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cấy động cơ và 30 máy cấy tay, 12 máy phun thuốc có động cơ, 2 kho bảo quản nông sản, góp phần bảo đảm cơ giới hóa 100% khâu làm đất và 90% khâu thu hoạch…
Theo ông Quyện, đến nay, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có ít nhất 1 mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều HTX, mô hình trồng trọt vừa sản xuất hiện đại, vừa hình thành được các liên kết theo chuỗi giá trị.
"Năm 2019, Gia Bình đặt mục tiêu xây dựng thành công thêm từ 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch và xây dựng 1-2 vùng chuyên sản xuất hoa, 80-100ha sản xuất rau an toàn, rau sạch, rau hữu cơ, để đến năm 2020 có 50% diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP..." - ông Định nhấn mạnh.
"Mục tiêu cuối cùng là cuộc “cách mạng xanh” sẽ thực sự lan tỏa trên đồng đất Gia Bình, để nông nghiệp công nghệ cao chính là bước làm giàu đột phá và bền vững, mang đến cuộc sống ấm no cho người dân” - ông Định nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.