Đôi khi doanh nghiệp muốn mua, người dân muốn bán rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ nhưng không tìm thấy nhau. Bởi vậy, nếu đưa rừng gỗ lớn lên sàn giao dịch thương mại sẽ tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau, liên doanh liên kết, đáp ứng cung-cầu, đôi bên cùng có lợi.
Trong 2 ngày 8 và 9/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: "Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu".
Tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2021, cả nước có 2,45 triệu ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích trồng mới khoảng 800.000 ha và trồng lại khoảng 1,65 triệu ha. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất tăng lên 3 triệu ha, trong đó diện tích trồng mới khoảng 500.000 ha, diện tích trồng lại khoảng 2 triệu ha, còn lại là diện tích gỗ lớn (450.000 ha). Tính đến tháng 8/2022 trên cả nước đã có 326.256 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chiếm 8,8% diện tích rừng trồng sản xuất.
Cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, 632 vườn ươm kiên cố, 1.063 vườn ươm tạm thời và 37 nhà nuôi cấy mô.
Cả nước có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Trong đó, số lượng doanh nghiệp trong nước 4.813 doanh nghiệp; 767 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu khoảng 2.600 doanh nghiệp.
Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 14,21 tỷ USD, xuất siêu trên 10,0 tỷ USD, xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Ông Hồng nhấn mạnh, những dữ liệu trên cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có thứ hạng trên thế giới trong ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản, còn nhiều dư địa để phát triển ngành nghề này trong thời gian tới.
Phát triển trồng rừng sản xuất đã khẳng định là hướng kinh tế ổn định, được nhiều hộ dân lựa chọn và đã đem lại đời sống khá giả, làm giàu nhờ trồng rừng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp và người dân vẫn đang trồng rừng gỗ nhỏ, mật độ dày, chu kỳ ngắn, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Lý do là người dân còn yếu về quy trình kỹ thuật; thiếu liên doanh liên kết đầu ra cho sản phẩm, khó tiếp cận nguồn vốn vay. Đặc biệt là ở khu vực miền Trung thường xuyên xảy ra thiên tai, trồng rừng chu kỳ dài năm có nguy cơ thiệt hại nặng.
Đưa rừng gỗ lớn lên sàn
Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhằm thúc đẩy ngành lâm nghiệp nói chung và phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu Chính phủ, Bộ NNPTNT và các địa phương đã có những đề án, kế hoạch.
Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất hiện nay cho thấy vẫn còn những khó khăn, bấp cập trong sản xuất đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản.
Tại diễn đàn, các đại biểu, nông dân đã tích cực phát biểu, góp ý, chất vấn liên quan trồng rừng gỗ lớn và phát triển thâm canh dưới tán rừng.
Trong đó, ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Tiệp – Phó Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Ông Tiệp nhấn mạnh, muốn phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ, đầu tiên phải quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cung cấp chứng chỉ rừng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ rừng; bảo hiểm rừng trồng…
Điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và sàn giao dịch gỗ lớn và gỗ có chứng chỉ rừng.
Ông Tiệp cho biết, thông tin về rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ hiện nay rất khiêm tốn, khó tìm kiếm. Đôi khi doanh nghiệp muốn mua, người dân muốn bán rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ, gỗ có chứng chỉ rừng nhưng không tìm thấy nhau. Bởi vậy, nếu đưa rừng gỗ lớn lên sàn thương mại sẽ tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau, liên doanh liên kết, đáp ứng cung-cầu, đôi bên cùng có lợi.
Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, muốn phát triển rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Đó là phải quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu, quản lý và tổ chức tốt sản xuất tại các vùng nguyên liệu, trong đó chú trọng về chất lượng giống, chú ý trồng cây có rễ cọc, giảm mật độ trồng để cây gỗ phát triển.
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Trong đó cần có chính sách về đất đai, chính sách đầu tư và tín dụng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn.
Điều quan trọng nữa là ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ phát triển vùng nguyên liệu gỗ, trong đó tập trung vào công nghệ ươm tạo, nhấn giống cây lâm nghiệp đạt tiêu chuẩn và cải tiến, nâng cao chất lượng vườn ươm cây giống…
Ông Hồng khuyến cáo, ngoài triển khai các giải pháp nêu trên, trồng rừng gỗ lớn cần nhiều năm, người trồng nên hướng đến đa dạng cây trồng, vật nuôi dưới tán rừng để tăng nguồn thu trên một đơn vị diện tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.