Quảng Ninh: Hội Nông dân trồng hàng vạn giống cây lim, lát, dổi với quyết tâm phủ kín rừng gỗ lớn

Nguyễn Quý Thứ tư, ngày 30/03/2022 08:56 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát động, ra quân trồng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước. Hàng vạn cây giống quý như lim, dổi, quế đã được trồng trong ngày 29/3.
Bình luận 0

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tổ chức trao hàng nghìn cây giống cho hội viên, nông dân; phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn cho những hộ dân có nhu cầu. 

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân còn tổ chức những đợt ra quân trồng cây gây rừng nhân dịp đầu xuân năm mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây xanh tạo cảnh quan, mô hình bảo vệ rừng…

Hội Nông dân Quảng Ninh với quyết tâm phủ kín rừng gỗ lớn - Ảnh 1.

Cán bộ và người dân huyện Ba Chẽ hào hứng trồng cây Lim do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phát động. Ảnh: Nguyễn Quý.

Hàng năm, các cấp hội đăng ký xây dựng mô hình điểm cộng đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cây gỗ lớn. 

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt để hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển các mô hình kinh tế trồng rừng, cây ăn quả, cây dược liệu, ươm cây giống gắn với việc khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng.

Thông qua đó, nhiều diện tích đất rừng đã được phủ xanh, một mặt cải thiện môi trường sinh thái, mặt khác còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.

Bà Trần Thị Hỷ (thôn Pắc Liềng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) có 8ha đất rừng được giao tại thôn Pắc Liềng 2. Nhiều năm nay, gia đình bà chỉ trồng cây keo, với mục đích sau khi trồng được 5-6 năm, thậm chí 4 năm đã chặt hết để bán lại cây cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm.

Hội Nông dân Quảng Ninh với quyết tâm phủ kín rừng gỗ lớn - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ninh Lê Văn Độ tham gia trồng cây quế tại thôn Pắc Liềng 2, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Việc trồng rừng bằng cây keo phổ biến hiện nay không giúp nhiều cho việc sinh thủy và điều hòa nguồn nước ngầm, nước mặt. Tại Bình Liêu, ở nơi nào có rừng cây keo nhiều thì những cánh đồng lúa phía dưới hầu như nước khô cạn và phải chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác.

Được sự vận động của Hội Nông dân huyện Bình Liêu, gia đình bà Hỷ quyết tâm chuyển đổi sang trồng cây quế. 

Trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ. Sau đó các năm sau không mất công là mấy, chỉ vào rừng tỉa cành, tỉa lá là... có tiền. So với các cây trồng khác, cây quế có đầu ra ổn định bởi đang có nhiều doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm quế với người dân lâu dài.

Sau khi được phê duyệt hồ sơ, ngày 29/3, gia đình bà Hỷ được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đến tận rừng trao 4.290 cây quế, để trồng trên diện tích 1,3ha.

Hội Nông dân Quảng Ninh với quyết tâm phủ kín rừng gỗ lớn - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Hỷ (thôn Pắc Liềng, thị trấn Bình Liêu) phấn khởi trồng cây quế do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh trao vào ngày 29/3. Ảnh: Nguyễn Quý.

"Chưa bao giờ trồng giống cây này, nhưng tôi yên tâm lắm, vì nhiều hộ khác ở Bình Liêu đã trồng thành công rồi. Vừa được trao cây giống, vừa được học kỹ thuật trồng quế do Hội Nông dân Quảng Ninh tổ chức, tôi thấy rất vui. Sau 1,3ha quế này, gia đình tôi sẽ quyết tâm bỏ keo để trồng quế trên cả diện tích rừng 8ha", bà Hỷ nói.

Với mục tiêu xây dựng mô hình để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và người dân tích cực tham gia chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn vừa phát triển kinh tế nâng cao thu nhập gia đình, vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn sinh thủy, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương tiến hành khảo sát địa điểm đất rừng đảm bảo các điều kiện, không có tranh chấp, đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên nông dân lập hồ sơ đăng ký tham gia triển khai trồng rừng gỗ lớn.

Hội Nông dân Quảng Ninh với quyết tâm phủ kín rừng gỗ lớn - Ảnh 4.

Hội Nông dân Quảng Ninh trao cây quế cho 6 hộ dân tại huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, hội viên nông dân đã thống nhất rất cao, đồng thuận ủng hộ chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng lim, lát, dổi và cây bản địa, hướng tới sớm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh là trồng 5.000ha lim, lát, giổi vào năm 2025".

Sau khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia mô hình, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã quyết định triển khai 3 mô hình trồng 7,7ha Lim tại Ba Chẽ, 8,25ha cây Giổi xanh tại Móng Cái và 7,8ha cây Quế tại Bình Liêu. Từ đó, hội viên nông dân được các cấp Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, có những hộ đã được đi tham quan thực tế mô hình trồng cây gỗ lớn có hiệu quả tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngày 29/3 Hội Nông dân tỉnh tổ chức ra quân trồng cây gỗ lớn.

Hoạt động ý nghĩa này của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã góp phần thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem