Trồng rừng gỗ lớn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của Phú Thọ
Làm gì để trồng rừng gỗ lớn tương xứng với tiềm năng, thế mạnh tại Phú Thọ?
Hoan Nguyễn
Thứ sáu, ngày 29/07/2022 15:18 PM (GMT+7)
Tỉnh Phú Thọ xác định phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi lâu dài, bền vững; đến năm 2025 đạt 20.000ha rừng gỗ lớn. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Phú Thọ thực hiện chính sách hỗ trợ đến 12 triệu đồng/ha cho các tổ chức, cá nhân để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, bứt phá làm giàu từ rừng.
Chuyển hóa rừng gỗ lớn, nhiều lợi ích nhưng khó thực hiện
Tỉnh Phú Thọ có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp. Cụ thể, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 187.957,6ha, chiếm 53,17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Trong đó, diện tích đất có rừng là 170.531,8ha, chiếm 93,1% so với tổng diện tích rừng và đất rừng cho mục đích lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn - xu hướng tất yếu của ngành lâm nghiệp.
Theo kế hoạch, mỗi năm toàn tỉnh phấn đấu chuyển hóa 600ha rừng gỗ lớn; trồng mới 2.000ha rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, hiện nay đa số là diện tích rừng trồng mới, số diện tích rừng trên 6 tuổi cam kết chuyển hóa gỗ lớn không nhiều.
Khảo sát tại các hộ đã trồng rừng cho thấy, trồng rừng gỗ lớn cho năng suất tăng gấp 1,5 lần và lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Tuy hiệu quả cao nhưng không phải ai cũng thực hiện được, nguyên nhân chủ yếu do chu kỳ kinh doanh của rừng gỗ lớn khá dài.
Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, đến hết năm 2020 toàn tỉnh Phú Thọ mới thực hiện trồng và chuyển hóa trên 6.900ha rừng gỗ lớn.
Năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh phát triển thêm 4.885,6ha rừng gỗ lớn, đưa tổng diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh lên 11.799,6ha. Diện tích này chiếm tỷ lệ quá thấp, chưa thực sự tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.
Ông Đoàn nêu rõ, do trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn đan xen giữa các chủ rừng là Nhà nước và gia đình; đa số các hộ gia đình có diện tích rừng nhỏ, manh mún, nên chưa hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung để thực hiện việc liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.700 cơ sở kinh doanh và chế biến gỗ nhưng các đơn vị này chủ yếu cần nguyên liệu gỗ nhỏ để chế biến thô. Bởi vậy, việc phát triển rừng gỗ lớn chưa được chú trọng đầu tư.
Giúp người dân "hưởng lộc từ rừng"
Ngày 16/7/2019, HĐND tỉnh Phú Thọ ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quy định cụ thể tổng mức hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với rừng trồng keo tai tượng, keo lai có quy mô tập trung và cam kết khai thác sau 10 năm tuổi của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình.
Ông Phạm Tấn Võ (trú tại khu 2, xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cho biết, bắt tay vào thực hiện chuyển đổi từ năm 2019, ông để lại hơn 3ha rừng keo 7 tuổi của mình để đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, keo đạt 10 tuổi, sinh trưởng tốt, mang lại lợi nhuận cao.
Theo ông Võ, chênh lệch lợi nhuận giữa trồng rừng gỗ lớn và gỗ nhỏ rất rõ ràng. Đối với cây 6-7 tuổi, trừ tất cả chi phí cho lãi khoảng 100 triệu đồng/ha.
Còn cây keo 10 năm thu lãi lên đến 150 triệu đồng/ha. Nếu tiếp tục chăm sóc cây đạt 12 tuổi thì lãi sẽ còn cao hơn, trong khi không cần phải bỏ vốn tái đầu tư trồng lại. Ngoài ra, trong thời gian chờ thu hoạch cây lớn vẫn có thể tỉa thưa bớt cây để bán sản phẩm gỗ vụn, thu hồi vốn.
Ông Trần Duy Hường (khu 5, xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) khẳng định: "Từ mô hình của gia đình ông Võ, năm 2020, tôi đã đăng ký chuyển đổi 7,5ha cây thành rừng gỗ lớn và nhận hỗ trợ 7 triệu đồng/ha, tổng cộng là 52,5 triệu đồng. Khi cây đạt 10 năm, nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời để tôi quyết chuyển đổi, duy trì mô hình trồng rừng gỗ lớn".
Cùng với những mô hình trong người dân, ngành NNPTNT tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng các mô hình, dự án, đề tài khoa học chuyển hóa rừng gỗ lớn gắn với biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm lâm nghiệp. Qua đó góp phần đưa kinh nghiệm thực tiễn đến với người dân thông qua tham quan thực tế, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền.
Để trồng rừng gỗ lớn từ "lượng" chuyển sang "chất"
Giai đoạn 2021-2025, Phú Thọ xác định cây gỗ lớn là sản phẩm lâm nghiệp chủ lực, từng bước giảm diện tích trồng rừng tập trung sản xuất gỗ nhỏ để chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn.
Đến năm 2025, tổng diện tích rừng gỗ lớn đạt 20.000ha, gắn với công nghiệp chế biến; xây dựng vùng sản xuất tập trung đạt 10.000ha gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu...
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ nhận định, Phú Thọ là một trong những địa phương đi đầu cả nước ban hành cơ chế cụ thể để hỗ trợ người dân chuyển hóa rừng gỗ lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, diện tích rừng gỗ lớn của Phú Thọ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng. Để đạt mục tiêu đề ra, cần những giải pháp quyết liệt và thiết thực để kích thích người dân đồng tình thực hiện.
Theo đó, tỉnh Phú Thọ đang tập trung thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến.
Đồng thời, tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng để tạo thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để được cấp FSC theo phương thức: Doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật, các chủ rừng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khi có sản phẩm khai thác được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ góp vốn, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh của thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.