Cần giải quyết tốt lạm phát, thâm hụt ngân sách

Thứ tư, ngày 09/02/2011 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2011 thì vấn đề sống còn là Chính phủ phải giải quyết tốt được vấn nạn lạm phát và thâm hụt ngân sách".
Bình luận 0

 

TS Nguyễn Quang A-chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định.

img

Giảm thâm hụt ngân sách là nhiệm vụ quan trọng của năm 2011.

Ông đánh giá như thế nào về các chỉ tiêu kinh tế năm 2011 được Quốc hội thông qua?

- Tôi cho rằng chỉ tiêu GDP năm nay 7,5% là không có vấn đề gì trở ngại. Nhưng quan trọng là chỉ tiêu về lạm phát được dự báo ở mức "không quá 7%" là đáng lo ngại. Chắc chắn năm nay, lạm phát không thể để xảy ra như năm 2010 được, nhưng chúng ta cũng không thể đùng một cái có thể kéo chỉ số lạm phát xuống chỉ còn 3-4%. Do vậy, chỉ tiêu về lạm phát năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay "chèo lái" của Nhà nước, vào các chính sách của Nhà nước trong năm nay.

Năm nay mục tiêu về bội chi ngân sách là 5,35%. Điều này sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế?

- Chỉ tiêu này đã giảm so với năm 2010. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ cần nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách hơn nữa và dần tiến tới cân bằng ngân sách. Thực tế, thu ngân sách của chúng ta không quá tồi nhưng chúng ta đang chi nhiều quá. Cùng với giảm lạm phát như tôi đã nói, nếu Chính phủ quyết liệt giảm được thâm hụt ngân sách thì sẽ tác động không thuận tới tăng trưởng kinh tế. Tôi cho lúc này Chính phủ phải cân nhắc giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng cao.

Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu năm 2011 phải ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát nhưng để làm được điều này có lẽ không thể một sớm một chiều, thưa ông?

- Tất nhiên không thể ngay lập tức chúng ta làm được. Nhưng để giảm lạm phát và bội chi ngân sách thì Chính phủ có thể chi tiêu ít đi, thu được bao nhiêu thì chi bấy nhiêu, không đi vay nữa... Những điều này sẽ giúp cho lượng tiền bớt được lưu thông, tín dụng không tăng nóng nữa.

Hiện các tổ chức đánh giá tín dụng, xếp hạng đã hạ thấp mức độ tin cậy tín dụng với VN. Vì vậy, năm 2011, việc vay mượn nước ngoài của ta cũng sẽ rất đắt đỏ vì lãi suất cao. Tôi cho rằng, trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt, cụ thể để ổn định kinh tế vĩ mô thay cho tăng trưởng cao.

Một trong 7 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 là chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả. Chúng ta phải làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

- Theo tôi vai trò của Chính phủ sẽ phải thay đổi bởi chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp, vào các thành phần kinh tế. Chính phủ cần giữ vai trò là người "chèo lái", tức là sửa đổi các luật lệ, đưa ra các chính sách hướng doanh nghiệp vào cải cách. Về phần mình, Chính phủ cần cải thiện chất lượng đầu tư và chi tiêu của nền kinh tế...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem