Căn hộ 25m2: Cho phép rồi vẫn còn trăn trở

Thái Bình Thứ năm, ngày 18/05/2017 08:31 AM (GMT+7)
Một trong số thông tin gây sốt thị trường nhà đất tháng 5, là sự kiện Bộ Xây dựng chính thức cho phép DN xây dựng căn hộ chung cư thương mại có diện tích tối thiểu từ 25m2. Bên cạnh việc Công ty Đất Lành được bật đèn xanh, dư luận cũng như giới thạo nghề quy hoạch – kiến trúc đều có quan điểm riêng về quyết sách "lấn cấn" suốt 7-8 năm qua.
Bình luận 0

Bộ nói đã đủ cơ sở

Bộ Xây dựng luận giải, việc áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2 (tương đương quy định hiện hành về diện tích tối thiểu đối với căn chung cư NƠXH) và bảo đảm thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, đã được căn cứ trên một số cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn rõ ràng.

img

Bộ Xây dựng cho biết, việc cho phép tạm thời xây dựng căn hộ 25m2 đã được dựa trên một số cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn

Những cơ sở đó là theo kết quả điều tra về dân số và nhà ở; tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn chung cư NƠXH quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH là 25m2. Hay tiếp đến, là cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước như Pháp, Hàn quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia...đều cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ (Hàn quốc: 14m2; Pháp: 15m2...). Như vậy, việc quy định cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích tối thiểu 25 m2 là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, chất lượng nhà ở được quyết định bởi các yếu tố như: chất lượng xây dựng, chất lượng hoàn thiện, hệ thống trang thiết bị, điều kiện hạ tầng, dịch vụ quản lý vận hành… Vì thế, theo Bộ Xây dựng, quy định cho phép xây dựng căn hộ có diện tích vừa và nhỏ (tối thiểu 25m2) không phải là nguyên nhân hình thành các khu nhà ở chất lượng kém.

Còn đó những trăn trở chưa lời đáp

img

Những căn hộ siêu nhỏ phù hợp với ngày hôm nay nhưng 20-30 năm sau không ai dám chắc Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra cải tạo lại? 

Cần lấy các khu tập thể cũ ở Hà Nội làm bài học. Trước đây, chúng ta xây dựng những căn hộ tập thể chỉ 24 m2 do tính toán diện tích bình quân là 6m2/người. Nhà 4 người thì 24m2 là hợp lý. Tuy nhiên 15-20 năm sau thì diện tích bình quân như vậy lại quá nhỏ, không đạt yêu cầu. Về lâu dài,vẫn cần một tỷ lệ nhất định những căn hộ mini để đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng già, không sống chung với con cái. Tuy nhiên tỷ lệ này là bao nhiêu thì cần tính toán.

TS. Phạm Sỹ Liêm

Còn nhớ, căn hộ diện tích nhỏ (từ 30m2 trở xuống) từng được Bộ Xây dựng cũng như các Ban, ngành, lãnh đạo địa phương liên tục nhắc tới từ những năm 2010. Đáng chú ý nhất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (khi còn tại nhiệm) đặc biệt tâm huyết với câu chuyện "cấm hay không cấm căn hộ thương mại diện tích nhỏ".

Theo góc nhìn thực tế , Thứ trưởng Nam từng luận giải: "Làm căn hộ nhỏ không có nghĩa là làm cho người ta ở chật, vì ở chật hay ở rộng phụ thuộc vào tổng diện tích nhà chia cho tổng dân. Làm căn hộ 50 m2 có khi mười mấy người ở, nên làm căn hộ 20 m2 mà 2-3 người ở thì cũng không có vấn đề gì. Vấn đề là ở chỗ cần biết được diện tích ở trung bình để đẩy mạnh nguồn cung nhằm tăng tổng quỹ nhà lên, chứ không phải làm căn hộ rộng hay không..."

Dẫu vậy, ghi nhận rất nhiều quan điểm trái chiều từ giới quy hoạch – kiến trúc. Nổi bật, TS. Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) từng đặc biệt lo ngại về chất lượng của những căn hộ bị thu hẹp diện tích quá mức. Theo ông Hải, không phải vô cớ mà điều 40 của Luật Nhà ở về phát triển nhà ở thương mại có quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại (dạng chung cư) phải có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45 m2 dành cho 4 người, bình quân mỗi người hơn 11 m2, vì đó là giới hạn diện tích tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mỗi người.

"Nếu diện tích căn hộ quá nhỏ thì chất lượng sống sẽ ảnh hưởng. Ưu thế của dòng sản phẩm trên có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của cuộc sống đô thị nhưng chưa có một cơ chế nào để kiểm soát lượng người cư trú trong những căn hộ chỉ dành cho một người nêu trên. Nếu mỗi căn hộ 20 m2 "nén" thêm vài người sẽ khiến cơ sở hạ tầng quá tải" - chuyên gia phát triển đô thị này đã khuyến cáo.

Về phần mình, TS. Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, hiện nay nhà 25m2 là giải pháp hợp lý, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người ở các khu lao động tập trung, KCN. “Tuy nhiên, nhà quản lý phải tính xa hơn. Cho phép xây nhà 25m2 nhưng phải có tỷ lệ nhất định vì nếu một khu toàn nhà 25m2 thì kiến trúc rất đơn điệu. Đồng thời, 10-15 năm nữa, khi những khu nhà này xuống cấp, dân số tăng lên thì lại gây áp lực về hạ tầng” - ông Liêm băn khoăn.

Nhiều chuyên gia gặp nhau ở quan điểm căn cơ để giải quyết bài toán nhà ở cho người nghèo mà vẫn đảm bảo bộ mặt cho đô thị là cần nhanh chóng có cơ chế hạ nhiệt giá đất và hỗ trợ về tài chính, phương thức mua nhà cho người dân, trong đó ngân hàng phải đóng vai trò quan trọng để hình thành một đô thị thương mại... 

Ngay cả những chung cư xây từ những năm 80 của thế kỷ trước với diện tích 30-45 m2 hiện đã lạc hậu, xuống cấp trầm trọng gây nhếch nhác bộ mặt đô thị. Cho phép xây những loại nhà siêu nhỏ là điều không mong muốn của người làm quy hoạch. Cần cân nhắc thực tiễn rằng, những căn hộ siêu nhỏ phù hợp với ngày hôm nay nhưng 20-30 năm sau không ai dám chắc Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra cải tạo lại, như vậy chúng ta suốt ngày phải đi giải quyết hậu quả của lịch sử?!

 TS Lưu Đức Hải

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem