Cần hỗ trợ cho nông dân học cao hơn

Thứ tư, ngày 03/11/2010 15:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho nông dân học cao hơn để đảm bảo lao động (LĐ) nông thôn, nhất là LĐ trẻ được học nghề bài bản.
Bình luận 0
img
Một lớp dạy nghề điện nông thôn tại Nam Định. Ảnh: Công Trình

Là một trong những tỉnh đi đầu về dạy nghề cho LĐ nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, ngay cả khi chưa có hướng dẫn về các chế độ tài chính mới, Nam Định cũng đã tổ chức hàng loạt lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn ở các xã điểm như dạy nghề hàn, nghề thêu ren cho nông dân xã An Xá (TP. Nam Định); nghề nuôi trồng thuỷ sản cho nông dân xã Mỹ Lộc (TP. Nam Định); nghề chăn nuôi gia súc, nghề cây cảnh (huyện Trực Ninh, Ý Yên...).

Mỗi lớp theo mô hình đều có bản cam kết trách nhiệm của các bên, gồm: UBND xã, cơ sở đào tạo, trách nhiệm của người học, trách nhiệm của chủ sử dụng LĐ (NTNN đã phản ánh).

Ông Nguyễn Viết Quý -Phó Giám đốc Sở LĐ-TT&XH cho biết, thực tế các lớp học cho thấy rất nhiều LĐ nông thôn- nhất là thanh niên, mong muốn được học nghề ở trình độ cao hơn. Chẳng hạn, LĐ học nghề hàn, nếu chỉ học 3 tháng tay nghề vẫn còn rất yếu.

Trong khi đó, ở trình độ trung cấp nghề, chí ít LĐ cũng đạt trình độ tay nghề 3G và có cơ hội tìm việc ở nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, nhiều nghề, như nghề hàn, điện tử, điện lạnh, điện nông thôn... đòi hỏi việc đào tạo nghề bài bản (cả lý thuyết, thực hành), phải là các trường nghề chuyên ngành mới đáp ứng được. “Học 3 tháng thì được hỗ trợ học phí, được cấp tiền ăn, tiền đi lại nhưng nếu học cao hơn, như trung cấp nghề thì không được hưởng hỗ trợ gì. Điều đó không khuyến khích được LĐ nông thôn học nghề bài bản”- ông Quý bày tỏ.

Từ thực tế này, Nam Định là tỉnh đầu tiên đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa chính sách đào tạo nghề theo hướng: Nếu là LĐ nông thôn được hưởng trợ cấp (theo điều 1 của Quyết định 1956) đi học nghề trình độ trung cấp trở lên được Chính phủ hỗ trợ mỗi năm học bằng 1 khoá học nghề cho LĐ nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Theo đề nghị này, LĐ nông thôn học trung cấp hoặc cao đẳng nghề sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/năm. Số tiền còn lại, LĐ tự chi trả.

Đề nghị này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều tỉnh thành trong cả nước khi triển khai Quyết định 1956.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem