Cần kiểm soát chặt người bán hàng trong các đại siêu thị online như Lazada
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh: Cần kiểm soát chặt người bán hàng trong đại siêu thị online như Lazada
Vũ Khoa
Thứ bảy, ngày 18/11/2023 15:54 PM (GMT+7)
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh khẳng định các hình thức bán hàng online phải quản lý ở mức chặt chẽ, thậm chí là phải cao hơn so với quản lý truyền thống. Ví dụ như Lazada, một đại siêu thị với quy mô rất lớn và cần phải kiểm soát chặt người bán trong siêu thị đó.
Tăng thu gần 8.000 thuế ngân sách từ kinh doanh online
"Có một số ý kiến đặt ra câu hỏi việc kinh doanh online có phải nộp thuế hay không, tôi khẳng định luôn là có phải đóng thuế", Bùi Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Cục thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết.
Trong thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của Quốc Hội và Chính Phủ về tăng cường công tác quản lý thuế với thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cũng thực hiện các biện pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức trong tuân thủ trong lĩnh vực kinh doanh điện tử. Tổng cục thuế đã trình Bộ Tài chính xây dựng Đề án quản lý thuê với hoạt động thương mại điện tử. Tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, lộ trình 2025 và tầm nhìn 2030.
Đối với công tác quản lý thuế trên lĩnh vực thương mại điện tử, doanh nghiệp, cá nhân có tham gia vào bán hàng kinh doanh đều phải kê khai và nộp thuế theo quy định. Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành một số quy định như Thông tư 80/2021/TT-BTC, hướng dẫn cụ thể về quản lý thuế với doanh nghiệp nước ngoài.
Ví dụ, Google, Netflix.. nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có trách nhiệm đăng ký kê khai, hoặc thông qua các tổ chức trong nước kê khai nộp thuế thay. Đến nay có khoảng 80 doanh nghiệp nước ngoài thực hiện kê khai, nộp thuế. Qua đó, đến năm 2022, hình thức này giúp tăng thu ngân sách Nhà nước 3.400 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2023, tăng thu gần 8.000 tỷ. Đây là một con số rất lớn đối với ngân sách nhà nước.
Đối với công tác quản lý với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước. Tổng cục thuế đã khai trương cổng thông tin thương mại điện tử tiếp nhận thông tin của cá nhân, tổ chức trên các sàn thương mại điện tử ví dụ như Shopee, Lazada.. định kỳ hàng quý, các sàn thương mại điện tử phải gửi tờ khai liên quan đến thông tin của cá nhân, tổ chức có phát sinh về cơ quan thuế. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng hơn 300 sàn đã thực hiện tờ khai điện tử.
Còn nhiều lỗ hổng
Mặc dù đã mang lại không ít kết quả tích cực, tuy nhiên đến nay những vi phạm vẫn phổ biến dẫn đến gây những khó khăn cho ngành thuế khi thực thi, gây nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước. Theo đó, các hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến doanh thu và chi phí như không kê khai thu nhập đầy đủ, trốn tránh kê khai thu nhập bằng các hành vi như thu tiền mặt, phân bổ doanh thu vào các tài khoản khác nhau do người khác đứng tên, kê khai giao dịch không chính xác nội dung...
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lại chưa kê khai thuế nhà thầu các khoản chi phí quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Thu nhập của cá nhân với doanh thu công ty cũng không rõ ràng, hay người bán cố tình giấy thông tin mặt hàng cung cấp, dẫn đến xác định sai thuế suất.
Một số trường hợp khác lại hạch toán khống các khoản chi phí nhân công (thay thế cho các chi phí chi trả cho Google), cố ý để ngoài sổ sách kế toán các khoản chi phí chi trả cho Google để tương ứng với doanh thu để ngoài sổ sách…
Để chống thất thu thuế, cơ quan thuế thường xuyên thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử trong phạm vi địa bàn quản lý theo các nhóm đối tượng.
Tuy vậy, để ngăn chặn gian lận thuế trong thương mại điện tử hiệu quả hơn, ông Bùi Trung Hiếu cho rằng, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, cần sự chung tay của các Bộ, ngành.
"Dưới góc nhìn của cơ quan thuế, nhận định về hành vi vi phạm liên quan đến thuế. Bán hàng, cung cấp dịch vụ diễn ra trên không gian số hoặc phương thức điện tử có đặc điểm hoạt động rất khác với thương mại truyền thống về thực hiện, chủ thể tham gia, thời gian.. Thương mại điện tử vốn không cần địa điểm bán hàng, địa chỉ cụ thể và có thể diễn ra ở bất kỳ đâu. Bất kể không gian, thời gian. Có những giao dịch bắt đầu diễn ra cả lúc 0h đêm", ông Bùi Trung Hiếu chia sẻ.
Chính vì có nhiều cơ hội vi phạm bởi yếu tố không gian mạng, con số người bán hàng online có thể lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh khẳng định các hình thức online phải quản lý ở mức chặt chẽ, thậm chí là phải cao hơn so với quản lý truyền thống.
"Ví dụ như Lazada, chúng ta hình dung đây là một đại siêu thị với quy mô rất lớn. Vậy thì công tác kiểm soát người bán trong siêu thị đó phải làm chặt. Tới đây, cần đề xuất thêm quy định để ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn. Đã tổ chức ra chợ để người mua bán nhưng lại từ chối về trách nhiệm giám sát là không được. Do đó, cần đề cao vai trò của người tổ chức", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.