Cạn kiệt nước ngầm, nhà nông khốn khổ

HUỲNH XÂY Thứ năm, ngày 09/04/2015 12:39 PM (GMT+7)
Chưa có khi nào mực nước ngầm ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải (Trà Vinh) lại bị hụt, giảm sâu như hiện nay. Điều này đã khiến cho việc sản xuất và sinh hoạt của hàng ngàn nhà nông gặp vô vàn khó khăn.
Bình luận 0

Mức cạn kỷ lục

Ông Trương Minh Tân, ngụ ở ấp Cà Tốc (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú) cho biết: “Hiện tôi đang trồng 1 công (1.000m2) khoai môn nhưng có lẽ cho năng suất thấp vì không có đủ nước tưới, cây không phát triển nổi. Năm 2014, tôi đã khoan giếng sâu xuống 90m nhưng không hút nước lên được. Thấy vậy, tôi đã gắn thêm dụng cụ trợ lực xuống giếng nhưng nước lên vẫn rất yếu, có lúc bị hụt không bơm được”. Từ hướng dẫn của ông Tân, chúng tôi đến xã Ngãi Tứ– vùng sản xuất rau màu của huyện Trà Cú cũng ghi nhận, nhiều hộ dân bị thiếu nước ngầm để bơm tưới, khiến rau màu trở nên cằn cỗi.

img
Ông Trương Minh Tân đang cố gắng cấp nước cho ruộng khoai môn cằn cỗi của mình.   H.X
Lão nông Thạch Trần Thanh, ngụ ở xã Ngãi Tứ nói: “Không hiểu vì sao mực nước ngầm bị hụt, người dân nào ở đây cũng gặp tình trạng này hết. Không riêng gì mùa khô này, năm 2014, nơi đây cũng gặp tình trạng tương tự, phải đi khắp nơi thuê thợ về gắn thêm dụng cụ trợ lực xuống giếng, nước mới chịu lên chút ít”.

 

Ngoài huyện Trà Cú, hiện nay các địa phương thuộc huyện Cầu Ngang và Duyên Hải cũng gặp tình trạng tương tự. Theo đó, những địa phương sản xuất rau màu, nuôi thủy sản là những nơi bị thiếu hụt nước ngầm nhiều nhất. Thống kê sơ bộ của UBND xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang) cho thấy: Toàn xã có trên 5.000 giếng khoan, trong đó có khoảng 60% số giếng phục vụ cho trồng màu. Hiện toàn bộ giếng khoan phục vụ trồng màu này đã bị hụt nước, không thể bơm lên được khi vào lúc cao điểm (từ 5-7 giờ sáng).

Chuyển đổi sang cây trồng cần ít nước tưới

Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc- ông Võ Văn Náo cho biết: “Trước thực trạng nguồn nước ngầm phục vụ cho trồng màu bị thiếu hụt, xã đã vận động các hộ dân từng bước chọn lựa các loại màu ít sử dụng nước tưới (dưa hấu, bí đỏ…), có kết hợp với việc sử dụng màng phủ nông nghiệp. Về lâu dài, xã mong muốn tỉnh có dự án đưa nước ngọt từ thượng nguồn huyện Càng Long, huyện Cầu Kè về”. Ông Lê Hoàng Thao - chuyên viên phụ trách lĩnh vực môi trường thuộc Phòng TNMT huyện Trà Cú thông tin: “Tình trạng giếng hụt nước là do mặn năm nay xâm nhập sớm hơn các năm trước, các cống ngăn mặn đã đóng từ lâu, từ đó nguồn nước bên trong đồng bị khô”.

Phòng TNMT huyện Cầu Ngang cũng có nhận định: Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân ồ ạt khoan giếng, khai thác quá mức nguồn nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chế tài xử lý mà chủ yếu là vận động người dân nâng cao nhận thức, sử dụng nước ngầm sau cho có hiệu quả nhất, tránh lãng phí.

“Chúng tôi đang triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước năm 2014-2015”. Khi hoàn thành, đề án trên sẽ giúp cho ngành chuyên môn huyện có có kế hoạch, hướng dẫn người sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Hoành - Trưởng phòng TNMT huyện Cầu Ngang thông tin.

Hiện toàn bộ giếng khoan phục vụ trồng màu ở xã Mỹ Long Bắc đã bị hụt nước, không thể bơm lên được khi vào lúc cao điểm (từ 5-7 giờ sáng).  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem