Tràn lan sản phẩm phân bón
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Nghị định này còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa bắt kịp được yêu cầu quản lý thực tế dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn tới mất cân đối.
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung trao đổi với báo chí bên lề hội thảo (ảnh Đình Thiên)
Ông Trung dẫn chứng, tính đến đầu năm 2017, trên địa bàn cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón được thống kê nhưng con số thực tế khoảng hơn 10.000 sản phẩm. “Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng không kiểm soát được chất lượng trở nên khá phổ biến. Còn quy trình khảo nghiệm phân bón thì chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.Vấn đề khảo nghiệm thiếu tính pháp lý, chưa đầy đủ,thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất phân bón phần lớn công nghệ thô sơ, lạc hậu...”, ông Trung nói.
Với dự thảo Nghị định mới sẽ làm rõ các vấn đề như làm rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, về quy trình khảo nghiệm phải được quy định rõ ràng. Bên cạh đó, nghị định cũng sẽ quy định rõ điều kiện sản xuất, kinh doanh buôn bán phân bón. Đặc biệt sẽ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước từ cấp Bộ và làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý kinh doanh và sử dụng phân bón.
Loại bỏ lợi ích nhóm ngành phân bón
Góp ý tại Hội thảo, đại diện các Chi cục BVTV các địa phương cho rằng, các đại lý kinh doanh phân bón nhỏ lẻ rất nhiều, rất khó quản lý. Trong khi đó, nhân lực để quản lý rất mỏng. Các quy định, quy chuẩn để giám sát kiểm tra và xử lý thì chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Thứ thưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định sẽ loại bỏ được phân bón giả khi Nghị định quản lý phân bón ban hành (ảnh Đình Thiên)
“Đơn vị chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào kinh doanh phân bón giả, nhưng nhiều nông dân phản ánh trên địa bàn sản phẩm trôi nổi nhiều. Các sản phẩm kém chất lượng có, giả cũng có. Trong khi đó, nhân lực để quản lý địa bàn rất mỏng chỉ có 2 người”, đại diện Chi cục BVTV Đà Nẵng nêu.
Còn đại diện Chi cục BVTV tỉnh Gia Lai thì cho rằng, việc giao trách nhiệm quản lý kinh doanh và sử dụng phân bón cho các Sở NNPTNT địa phương còn chung chung. Hiện tại ở các Sở NNPTNT lại không còn Phòng Nông nghiệp, tất cả đều dồn về Chi cục BVTV.
Về vấn đề, quy chuẩn và kiểm nghiệm chất lượng phân bón cũng được nhiều địa phương và các công ty sản xuất phân bón nêu ý kiến. Trong đó, đại diện Chi cục BVTV tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Sản phẩm phân bón là một sản phẩm quan trọng nhưng không có trung tâm kiểm nghiệm chất lượng riêng biệt. Việc thiếu trung tâm này khiến cho người dân cũng như các cơ sở kinh doanh không phân biệt được đâu là sản phẩm chất lượng, kém chất lượng hay sản phẩm làm giả.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy cho rằng, cần loại bỏ lợi ích nhòm ngành phân bón (ảnh Đình Thiên)
Đại diện Công ty phân bón Sông Gianh thì cho rằng, các cơ sở sản xuất phân bón làm ra sản phẩm để kinh doanh thì anh phải làm theo quy chuẩn và điều kiện được đưa ra. Tuy nhiên quy chuẩn như thế nào phải do Nhà nước quy định.
“Anh nào vào ngành sản xuất phân bón đều phái đáp ứng được các điều kiện nhà nước đưa ra. Phải làm như vậy mới tránh được việc tràn lan các sản phẩm phân bón mới làm loạn thị trường và dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho nên nông nghiệp”, đại diện công ty phân bón Sông Gianh nhận định.
Tại Hội thảo này ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam nhấn mạnh, cần phải loại bỏ ngay lợi ích nhóm trong ngành phân bón mới tránh được tình trạng nhiễu loạn hiện nay.
“Lợi ích nhóm là có thật. Tôi ví dụ như vụ công ty Thuận Phong, 7 Bộ đã nhận định là kinh doanh sản xuất phân bón giả. Vụ việc đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an xử lý từ 1.3 nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng”, ông Thúy nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.