Cần nhiều hơn những chương trình như thế

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 14:06 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của bác Nguyễn Văn Khiêm – nông dân xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An sau khi kết thúc chương trình “Kết nối nhà khoa học – nhà nông” sáng 26.12.
Bình luận 0
Chương trình do Báo Nông Thôn Ngày Nay, Công ty TNHH Truyền thông S.A phối hợp với Ban xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Long An, Hội nông dân tỉnh Long An và UBND huyện Tân Trụ tổ chức tại xã Quê Mỹ Thạnh.


Tại buổi giao lưu đã có rất nhiều câu hỏi được bà con đưa ra, hầu hết đều tập trung vào việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp thế mạnh của địa phương, đồng thời giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó là cách phòng chống dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi tại địa phương.

Những gợi mở liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học thế nào để gia tăng chuỗi giá trị sản xuất - chế biến, nhân lên nhiều cách làm hay, hiệu quả đã được chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và tiến sĩ Đỗ Trung Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học đất Viện KHKT Nông nghiệp miền nam; ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An; ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Long An giải đáp cặn kẽ.

Theo ý kiến của người dân, tất cả nông dân ở đây đều thiếu kiến thức nên rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Bà Nguyễn Thị Bình – nông dân xã Quê Mỹ Thạnh hỏi: “Làm thế nào để nâng cao năng suất cây trồng mà có thể tiết kiệm được chi phí cho nông dân?”. Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng: Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hóa học giúp tăng năng suất cây trồng, thế nhưng điều đó không mang lại hiệu quả lâu dài. Cách tốt nhất, nông dân nên tận dụng những loại phân, chất hữu cơ để chăm bón cho cây trồng của mình. Đây là biện pháp an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.

Trong khi đó, ông Trần Văn Nghiêm, nông dân xã Mỹ Bình hỏi: Ở đây đa số nước đều có phèn xanh, đất thì chịu ảnh hưởng nhiều từ nước và phân. Vậy theo các nhà khoa học, tốt nhất nên dùng loại phân bón nào cho phù hợp? Tiến sĩ Đỗ Trung Bình cho biết: Đất rất quan trong nhưng trước tiên là nước. Nước bị nhiễm phèn thì chúng ta có thể ém phèn (khi mưa, chúng ta lập tức xả nước). Bên cạnh đó chúng ta có thể dùng phân lân hoặc vôi bón để rửa phèn.

Trong khi cả hội trường ai cũng chăm chú lắng nghe lời giải đáp của các chuyên gia, thì ông Nguyễn Văn Hậu, nông dân xã Mỹ Bình bức xúc: “Tôi rất biết ơn các nhà tài trợ, các cơ quan chức năng đã tổ chức chương trình ý nghĩa này. Thế nhưng hiện nay, ngoài kiến thức ra, nông dân chúng tôi còn bị lái thương ép giá rất nhiều. Các chuyên gia có cách nào giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh này không?”.

Kết thúc câu hỏi là một tràng pháo tay thật lớn dành cho ông Hậu. Đây được đánh giá một trong những vấn đề được nông dân quan tâm nhất hiện nay. Ông Lê Minh Hùng nói: Chúng tôi hiểu được nỗi khổ của người nông dân. Nhà nước cũng đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng trên trong gần 10 năm qua. Thế nhưng Nhà nước cũng không thể làm hết tất cả mọi việc mà phải nhờ đến sự đồng lòng giúp đỡ của nhiều phía. Nhà nước đang nỗ lực hết sức để giúp người nông dân thoát nghèo.
Hoàng Anh - Him Lam (Hoàng Anh - Him Lam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem