Cần siết chặt chế tài xử lý "ma men" uống rượu nhưng vẫn cầm lái
Cần siết chặt chế tài xử lý "ma men" uống rượu nhưng vẫn cầm lái
T. Nam
Thứ năm, ngày 23/09/2021 17:25 PM (GMT+7)
Hàng nghìn vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi năm liên quan đến rượu bia để lại nỗi đau, ám ảnh kinh hoàng, day dứt khôn nguôi. Là gánh nặng vật chất cho những người trong cuộc, khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch.
Theo Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia của người Việt tăng cao trong nhiều năm trở lại đây, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Chưa bao giờ tác hại của việc lạm dụng rượu bia lại trở thành vấn đề "nóng" gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự xã hội đáng báo động như hiện nay.
Mỗi dịp lễ lớn của đất nước như ngày 30/4, 2/9... người ta lại giật mình khi nghe ti vi, báo, đài thông báo thống kê các ca tai nạn giao thông do người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Nhiều đợt cao điểm, các khoa cấp cứu của những bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai... ở trong tình trạng quá tải khi mỗi giờ phải cấp cứu cho hàng chục trường hợp tai nạn giao thông do say rượu bia, nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra.
Là một lái xe cấp cứu, anh Nguyễn Hải cho hay, hàng ngày anh nhận được hàng chục cuộc điện thoại đề nghị đưa xe đến vận chuyển nạn nhân bị thương trong các vụ tai nạn giao thông. Nếu không phải là người yêu nghề, anh không thể gắn bó với nghề lái xe đến ngày hôm nay. "Ngày đầu khi mới vào nghề, tôi đã gặp phải vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, nếu yếu tim có khi đã phải bỏ nghề sớm. Đó là vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào năm 2000 khi xe chúng tôi đến hiện trường xe ô tô đâm 2 xe máy thì thấy 2 nạn nhân đã tử vong, 1 nữ sinh trong tình trạng chấn thương nặng gãy tay, gãy chân. Đáng nói nạn nhân tử vong đã bị biến dạng, thi thể của nạn nhân bị bánh xe nghiến nát.... Sau chuyến cấp cứu đầu tiên tôi mất khoảng 2 tuần để định hình lại", anh Hải nói.
Siết chặt các chế tài
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, đã có rất nhiều biện pháp đã được lực lượng chức năng đề ra để hạn chế tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông như cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, đặt chốt cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, xử phạt nặng tay với những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có hơi men.
Cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng hình ảnh, phóng sự về những tai nạn giao thông do rượu bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng… nhưng dường như các chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe. Vẫn còn rất nhiều "ma men" "phớt lờ" các quy định của pháp luật, vấn uống rượu bia và cầm lái phương tiện giao thông, khiến ngày càng nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra.
"Chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trật tự an toàn giao thông một cách toàn diện, từ thôn xóm, làng bản, đến các thành phố lớn. Khi số vụ tai nạn giao thông tăng cao, thì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đến người dân vẫn còn hạn chế. Kèm theo đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các chế tài xử lý. Đơn cử như việc cảnh sát giao thông đẩy mạnh việc kiểm tra nồng độ cồn khi gặp "ma men" thì phải xử lý mạnh tay. Có như vậy, mới hạn chế được phần nào vấn nạn người dùng rượu bia nhưng vẫn tham gia lái xe…", ông Đỗ Văn Viện, người dân quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay.
Cũng theo ông Viện, ngoài việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông, nhà nước cần tăng chế tài xử phạt những người uống rượu bia tham gia giao thông. Chỉ khi chế tài xử phạt mạnh mới đủ sức răn đe.
Có thể thấy tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra hằng ngày, hàng giờ, khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh vợ mất chồng, con mất cha… Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông đều để lại nỗi đau, ám ảnh nặng nề. Người mất đi để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân, còn những người bị thương tật do TNGT không những trở thành gánh nặng cho gia đình mà bản thân họ còn chịu sự đau đớn kéo dài.
TNGT chỉ xảy ra trong một phút chốc, thế nhưng hậu quả nó để lại thì dai dẳng về sau. Vì vậy, để TNGT không còn là nỗi ám ảnh đối với chúng ta, mỗi người khi TGGT phải luôn nhớ thông điệp "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" và nâng cao ý thức nghiêm túc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông để tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân cũng như gia đình và xã hội.
Tin cùng chủ đề: Tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tác hại rượu bia 2021
Vui lòng nhập nội dung bình luận.