Người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn còn chống người thi hành công vụ có thể bị phạt tù
Người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn còn chống người thi hành công vụ có thể bị phạt tù
Biên Thùy
Thứ ba, ngày 30/11/2021 17:22 PM (GMT+7)
Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, nếu hành vi của người vi phạm đủ cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ" người tham gia giao thông có thể phải chịu mức phạt 6 tháng đến 3 năm tù giam.
Thời gian vừa qua, TAND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thanh Sang (26 tuổi, ngụ xã Đông Phú, huyện Châu Thành) về tội "Chống người thi hành công vụ".
Theo cáo trạng, vào khoảng 15 giờ ngày 13/7/2020, Lê Thanh Sang điều khiển xe máy mang BKS: 95H1-449.26 lưu thông trên địa bàn ấp Phú Hòa, xã Đông Phú trong tình trạng có sử dụng rựơu bia và không đội mũ bảo hiểm. Lúc này tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an huyện Châu Thành phát hiện đã ra hiệu lệnh yêu cầu Sang dừng phương tiện để kiểm tra hành chính, xác định nồng độ cồn.
Sang không chấp hành mà còn sử dụng hung khí sắc bén mang trong người đe dọa tấn công lực lượng và liên tục dùng những lời lẽ thô tục xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ nhằm ngăn cản giữ phương tiện vi phạm.
Trong lúc Sang cùng tổ công tác giằng co thì bạn của Sang cũng có mặt để "giải cứu" cho Sang. Tuy nhiên sau đó Sang bị lực lượng khống chế thu hồi hung khí. Tại phiên toà, Lê Thanh Sang đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
HĐXX nhận thấy hành vi Sang là rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động của cơ quan nhà nước, an ninh trật tự địa phương của những người thực thi công vụ, HĐXX đã tuyên phạt Lê Thanh Sang 4 năm tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ".
Có những vụ TNGT mà người gây ra tai nạn say rượu đến mức không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn. Một số đối tượng còn quá khích, cự cãi, chống đối thậm chí tấn công, gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ. Hành vi của Lê Thanh Sang là một trong những trường hợp như thế và đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tất cả những hành vi đó đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh; áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Luật sư Cường dẫn khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy.
Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những hành vi tấn công lại lực lượng chức năng thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, tại điều 330. Tội chống người thi hành công vụ quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng đã xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về nồng độ cồn. Hướng dư luận vào việc lên án các hành vi lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm tạo hiệu ứng xã hội đồng tình ủng hộ trong việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Tập trung phê phán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng không chấp hành việc kiểm tra của CSGT.
Tin cùng chủ đề: Tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tác hại rượu bia 2021
Vui lòng nhập nội dung bình luận.