Cần sớm bàn thảo Dự án Luật Biểu tình

Thứ năm, ngày 22/05/2014 10:16 AM (GMT+7)
Chiều 21.5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội họp ở tổ để cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Bình luận 0
Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng đến kỳ họp thứ 8 tới cần phải đưa Dự án Luật Biểu tình vào. Nhiều ĐB của Đoàn TP.HCM cũng cho rằng sự cần thiết, tính cấp bách của Luật Biểu tình đối với thực tiễn xã hội hiện nay. ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích: Nhu cầu biểu tình là có nhưng chưa có khung pháp lý.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng nên sớm có Luật Biểu tình để người dân có điều kiện biểu tình một cách ôn hòa và đúng luật (Nguồn ảnh: NLĐ)
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng nên sớm có Luật Biểu tình để người dân có điều kiện biểu tình một cách ôn hòa và đúng luật (Nguồn ảnh: NLĐ)

"Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, người dân chúng ta đã biểu tình phản đối. Thực tế cho thấy nó gây ra sự lúng túng bởi không có quy định chi tiết để cơ quan chức năng xử lý. Thế nên cần bổ sung Dự án Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của kỳ họp thứ 8, đến kỳ họp thứ 9 thông qua” - ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP. HCM) cho rằng: “Cần sớm xây dựng Luật Biểu tình vì thời gian gần đây dân chúng ta nói chung, lực lượng sinh viên nói riêng rất bức xúc trước hành vi của Trung Quốc nhưng vừa qua chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nên những người dân biểu hiện lòng yêu nước một cách phù hợp. Thế nhưng tình hình sau này mà căng thẳng hơn thì không đảm bảo, tổng số sinh viên hàng triệu, nếu như họ biểu lộ mà không có luật điều chỉnh thì không biết thế nào là đúng là sai”.

Quan tâm đến tính khả thi của các dự án luật được ban hành, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ luật được ban hành đi vào cuộc sống rất ít, ngoài nguyên nhân về trình độ và các nguyên nhân khác thì quy trình làm luật hiện nay “hơi ngược”, bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước nên không tránh khỏi bị chi phối bởi lợi ích nhóm, khó đi vào cuộc sống. “Chúng ta nên nghiên cứu lại quy trình làm luật, quy trình này nên bắt đầu từ Quốc hội” - ĐB An đề xuất.

Sáng 21.5, tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long)… đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký phương tiện còn thấp, trong đó công tác tuyên truyền, vận động chưa tốt, chưa làm cho người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký là không chỉ để quản lý phương tiện mà còn để xác lập quyền sở hữu tài sản cũng như bảo đảm an toàn cho chính chủ phương tiện khi tham gia giao thông.

Một số ý kiến đề nghị xem xét lại lệ phí đăng ký và chọn địa bàn đăng ký phương tiện cho phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân...
Lương Kết - Long Nguyên (Lương Kết - Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem