Cần tạo cơ chế cho nông nghiệp đột phá

Thứ bảy, ngày 13/11/2010 08:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để đạt được các mục tiêu trong tất cả chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn không phải một sớm, một chiều, mà phải tìm ra nhiều khâu đột phá, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói.
Bình luận 0

Kể từ khi được thành lập với tên là Bộ Canh nông, ngành nông nghiệp nước ta đã trải qua 65 năm xây dựng, trưởng thành (14-11-1945 đến 14-11-2010) với nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử. Nhân dịp này, NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Công Tạn - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Thưa ông, với một đất nước hiện còn tới 70% dân số sống ở nông thôn, có thể nói ngành nông nghiệp nước ta có một vị trí hết sức quan trọng. Với ý nghĩa như vậy, xin ông cho biết khái quát về sự hình thành, phát triển của Bộ NN&PTNT?

img
Ông Nguyễn Công Tạn

- Bộ NN&PTNT ngày nay có lịch sử trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó có những giai đoạn tách ra, rồi lại hợp nhất lại với nhau. Năm 1945, chúng ta lập Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi lập lên Bộ Canh nông do đồng chí Cù Huy Cận làm Bộ trưởng.

Sang năm 1946, khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đồng chí Ngô Tấn Nhơn đã được giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông. Đến năm 1954, Bộ Canh nông đổi tên sang thành Bộ Nông lâm do đồng chí Nghiêm Xuân Nghiêm làm Bộ trưởng. Sau đó Chính phủ tách hai tổng cục thuộc Bộ này thành hai Bộ khác nhau, đồng thời lập thêm Bộ Nông trường.

Sau một thời gian tách nhập khác, đến năm 1987 đã nhập Bộ Nông nghiệp với Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực thành Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm do tôi làm Bộ trưởng. Tới năm 1995, Bộ Nông nghiệp lại tiếp tục nhập với Bộ Thuỷ lợi, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thuỷ sản và Ban Quản lý nông nghiệp T.Ư thành Bộ NN&PTNT như ngày nay.

Có thể nói, dù trong bất cứ thời kỳ nào, Bộ NN&PTNT vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta. Theo ông, vai trò chủ yếu của ngành quản lý nông nghiệp qua các thời kỳ được thể hiện ra sao?

- Tôi có thể nói như thế này, trước đây, thời kế hoạch hoá Bộ ôm tất cả các khâu từ trực tiếp sản xuất, kinh doanh đến quản lý nhà nước. Sau này, khi đổi mới, dần dần Bộ chỉ sang làm đúng một vai trò đó là quản lý nhà nước, đúng nghĩa là một Bộ trực thuộc Chính phủ.

img Chức năng số 1 của ngành nông nghiệp là phải tạo được cơ chế, chính sách, rồi xây dựng, phổ biến các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiếp đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng như thủy lợi, đê điều… img

Ông Nguyễn Công Tạn

Có thể nói rằng, Bộ NN&PTNT đã có một số thành tựu, đó là: Xây dựng chính sách thích hợp cho các thời kỳ để Đảng, Chính phủ ban hành các chính sách về nông nghiệp, nông thôn. Lo quy hoạch về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chăm lo phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Trực tiếp quản lý một số khâu liên quan đến vĩ mô như giá lương thực, dự trữ lương thực, vật tư nông nghiệp…

Nhờ đó đã đem lại hiệu quả lớn, từ nước sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, nhiều mặt hàng đứng trong tốp đầu về xuất khẩu trên thế giới như lúa gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều…

Mặt khác, đời sống nông dân đã được tăng lên, bộ mặt nông thôn được thay đổi, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, cụ thể là trong ngành thuỷ lợi đã phát triển một cách nhanh chóng, hiện hệ thống thuỷ lợi nước ta đã đứng đầu ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng còn nhiều khuyết điểm, sai sót nhưng đã kịp thời rút kinh nghiệm để sửa sai, đi lên.

Với vai trò là một Bộ chỉ chuyên về quản lý nhà nước như hiện nay, theo ông Bộ NN&PTNT cần chú trọng vào những chức năng gì?

- Nông nghiệp chủ yếu do dân làm là chính. Vì thế, chức năng số 1 của ngành nông nghiệp là phải tạo được cơ chế, chính sách, rồi xây dựng, phổ biến các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiếp đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng như thủy lợi, đê điều… Bộ nên đặc biệt chú ý yếu tố xây dựng chính sách để tạo nên đột biến về phát triển.

Chẳng hạn, sau khi Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 100 (khoán hộ), Nghị quyết 10, nền nông nghiệp nước ta có sự thay đổi hoàn toàn về cả tư duy sản xuất, năng suất, sản lượng lương thực đều tăng. Tôi nghĩ việc xây dựng chính sách, đốc thúc chính sách là quan trọng.

Thưa ông, trong thời kỳ mới này, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới ra sao để đáp ứng yêu cầu mới?

- Trong tất cả chính sách về nông nghiệp- nông dân- nông thôn, hiện chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện chính sách về đời sống xã hội nông thôn, trong đó chú trọng đến người nghèo nhiều hơn, nhất là chính sách cho 62 huyện nghèo, rồi chính sách xoá đói, giảm nghèo.

img
Nông nghiệp VN từ tự cung tự cấp đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá và đạt hiệu quả kinh tế cao

Tôi cho rằng, để đạt được các mục tiêu này không phải một sớm, một chiều, mà phải tìm ra nhiều khâu đột phá. Chẳng hạn, cứ mỗi lần, chúng ta đến thăm hỏi người dân bảo họ phải trồng cây gì, nuôi con gì, thì họ lại hỏi ngược lại "thế ông bảo tôi nên trồng cây gì, nuôi con gì", cứ thế hai bên hỏi nhau.

Rồi còn chính sách về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn cho người nông dân và rất nhiều vấn đề xã hội, nông dân cũng đang rất bức xúc. Tất cả những điều đó, rất cần có một chính sách để giải quyết, mà ở đây có vai trò rất rõ của ngành nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem