Đó là những đề xuất, mong muốn và cũng là nguyện vọng của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, nơi có dòng sông Hồng chảy qua.
Phải xây dựng các trạm quan trắc dọc biên giới
Đánh giá về sự đổi thay của sông Hồng qua địa phận tỉnh Lào Cai, ông Mai Đình Định – Phó Giám đốc Sở TNMT Lào Cai cho hay: “Thời gian vừa qua sông Hồng có những diễn biến bất thường, trái quy luật, như nước đột ngột cạn rồi lại đột ngột dâng, trước đây không như thế, cạn thì cạn từ từ và dâng cũng vậy. Nguyên nhân chắc chắn không phải do tự nhiên mà có sự can thiệp của bàn tay con người”.
|
Ngã ba - nơi sông Hồng chảy vào Việt Nam, thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) giờ chỉ là con suối nhỏ. |
Việc đánh giá mức độ ô nhiễm sông Hồng và bắt nguồn từ đâu cần phải có cơ sở khoa học cụ thể, có các số liệu quan trắc ở từng khúc sông.
Theo ông Định: “Hiện tại, trên sông Hồng cũng có 1 trạm quan trắc, nhưng không đủ tầm vì đầu tư không nhiều và không bài bản, trạm này ở cầu Cốc Lếu (TP.Lào Cai), cách km 0 rất xa. Chúng ta cần đầu tư bài bản, tầm cỡ, phải có trung tâm quan trắc, có kết quả phân tích kịp thời sự thay đổi của mực nước, chất lượng nước sông. Hiện nay các số liệu cũng rất sơ sài, chưa đầy đủ vì quá thiếu các trạm quan trắc”.
Nói về việc xây dựng các trạm quan trắc, bà Nông Bích Thủy - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai cho rằng: “Cần phải lắp đặt nhiều trạm dọc biên giới từ km 0, quan trắc liên tục 24/24 giờ thì các số liệu thu thập được mới đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó, công việc lưu trữ các số liệu cũng rất quan trọng nhằm làm cơ sở, căn cứ để trao đổi thông tin với nước khác”.
Không chỉ đầu tư các trạm quan trắc ở phía thượng nguồn, theo ông Lưu Văn Doanh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT tỉnh Phú Thọ: “Trong 1 năm chúng tôi chỉ quan trắc nước sông có 4 lần ở các điểm thượng nguồn giáp Lào Cai, trung nguồn nơi chảy qua thành phố, và hạ nguồn. Tôi cho rằng cần phải tăng cường các trạm quan trắc để có thể chủ động nguồn tin, đồng thời các số liệu về chất lượng nguồn nước, mực nước sông sẽ đầy đủ, chính xác hơn”.
Cần thành lập Ủy ban sông Hồng
Nói về nguyên nhân dòng sông Hồng bị ô nhiễm, ông Mai Đình Định cho rằng: “Chưa thể kết luận được vì chưa có chứng cứ cụ thể, tuy nhiên tôi chắc chắn ô nhiễm bắt nguồn từ km 0. Hiện chúng tôi đang tiếp tục khảo sát. Vừa rồi Sở TNMT cũng đã báo cáo với tỉnh để có thể nhanh chóng xử lý bằng con đường ngoại giao với phía Trung Quốc về vấn đề bảo vệ môi trường sông Hồng.
Tôi thấy ở các nước tiên tiến họ đều có các trạm quan trắc tự động đặt ngay nơi cống xả của các công ty, nhà máy xả thẳng ra sông. Nếu nước thải của các nhà máy đó vượt mức cho phép thì hệ thống quan trắc tự động sẽ báo ngay về trung tâm để cơ quan thẩm quyền xử lý, ngăn chặn và có các biện pháp răn đe tức thì. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải làm kiểu như thế.
Ông Nguyễn Bá Thọ - Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Sở TNMT Phú Thọ
Sở chúng tôi có ý kiến phải gắn vấn đề bảo vệ môi trường sông Hồng nói riêng và môi trường nói chung vào chương trình hợp tác giữa Lào Cai với Vân Nam (Trung Quốc). Nếu chúng ta ký kết thỏa thuận, việc trao đổi thông tin, thành lập các đoàn kiểm tra xuyên biên giới sẽ dễ dàng hơn”.
Việc hợp tác quốc tế chống hành vi ô nhiễm môi trường dòng sông là điều tất yếu quốc gia nào cũng quan tâm, chỉ có điều phải làm thế nào đó để có một tổ chức chính thống hợp tác để thống nhất hành động.
Về vấn đề này, theo ông Mai Đình Định đề xuất: “Sông Hồng là dòng sông lớn thứ 2 Đông Nam Á, cần phải thành lập ủy ban như Ủy ban sông Mekong để các nước liên quan cùng quản lý. Tôi nghĩ các bộ ngành cũng như phía Trung ương nên xem xét.
Đối với tài nguyên nước, một quốc gia không thể nào làm chủ hoàn toàn, thế nên về lâu về dài, các nước cần hình thành các mối quan hệ chính thống để làm việc với nhau và Ủy ban sông Hồng có thể giải quyết vấn đề trên. Mục đích để thường xuyên trao đổi với nhau về mặt khoa học, về ô nhiễm môi trường.
Thường xuyên tổ chức hội đàm khi dòng sông gặp phải vấn đề bất thường, ví dụ như bây giờ dòng sông đang gặp phải ô nhiễm và cạn kiệt, Ủy ban sông Hồng ngay lập tức có động thái mở hội đàm trao đổi, thảo luận, mổ xẻ vấn đề để tìm ra nguyên nhân, hướng xử lý, biện pháp giải quyết...
Ông Lưu Văn Doanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT tỉnh Phú Thọ cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Doanh cho hay: “Hiện nay Sở TNMT đang đề xuất với tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường nhằm giải quyết phần nào vấn đề ô nhiễm. Bên cạnh đó tỉnh Phú Thọ cũng đang triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, trong đó các đề án trọng điểm là về bảo vệ môi trường sông Hồng”.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.