Sông Hồng đang bị đầu độc: Ai là thủ phạm?

Thứ năm, ngày 17/03/2011 18:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kết quả phân tích, đánh giá cho thấy nước sông Hồng từ thượng nguồn Lũng Pô về xuôi rất ô nhiễm và độc hại. Vậy ai đã đầu độc dòng sông này?
Bình luận 0

Độc từ vàng tặc, nhà máy xả thải

Qua ghi nhận của người dân sinh sống dọc sông Hồng ở huyện Trấn Yên (Yên Bái), thời gian vừa qua, sông Hồng đổi màu, kèm theo những mùi hôi tanh nồng nặc rất khó chịu là do nạn khai thác vàng trái phép đang diễn ra tràn lan.

img
Nước thải trắng bệch, mùi nồng nặc a xít của Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao thải ra sông Hồng.

Tại địa phận huyện Trấn Yên và Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nạn đào đãi vàng trái phép diễn ra như chốn không người. Nơi chúng tôi đi qua, các loại máy móc đang thi nhau đào xới lòng sông, để lại những vực sâu hoắm.

Những khối đá trơ trọi được móc lên chất thành núi cao. Dòng nước bốc mùi a xít, thủy ngân dùng để lọc vàng. Váng dầu rỉ ra từ các tàu, máy sàng lọc váng phủ kín những khúc sông lớn. “Vàng tặc” đã làm cho cá, tôm dưới sông biến mất vì hóa chất, những dòng sông lớn chảy về đất Việt nay bị các khối sỏi đá do các tàu “vàng tặc” thải ra ngăn dòng chảy.

Tìm hiểu nguyên nhân về sự ô nhiễm của dòng sông Hồng tại khu Sơn Thị, thôn Cao Mại, thị trấn Lâm Thao (Phú Thọ), ông bà Hợp Vấn đưa chúng tôi ra xem cống xả thải của Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao nằm ngay cạnh vườn nhà ông. Ở đây mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, kiểu như mùi a xít, cay xè mắt, mũi.

Bà Vấn cho hay, hệ thống ống xả từ nhà máy Super ra đến sông Hồng dài khoảng 6-7km, nhà máy này không xả cả ngày mà xả theo giờ, nước xả lúc thì trắng đục như vôi, lúc thì đỏ thẫm như máu đông, có khi lại đen thẫm, xám xịt.

Chúng tôi có mặt ở cống xả lúc giữa trưa, nước từ đường ống chảy ào ạt ra sông, thứ nước trắng bệch, chúng ăn mòn cả dải đá bên triền sông khiến cho dải đá đỏ quạch, sần sùi.

Dọc theo bờ sông Hồng thuộc địa phận Lâm Thao còn có cống xả của Nhà máy Giấy Bãi Bằng, nước xả lúc chúng tôi có mặt màu đỏ thẫm, mùi hôi thối của hóa chất. Xuôi về thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có Nhà máy Giấy Việt Trì và một nhà máy nhuộm. Tất cả các nhà máy trên thi nhau xả thải ra sông Hồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Doanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ khẳng định: “Các nhà máy nêu trên đang làm cho nước sông Hồng ngày càng ô nhiễm. Nước thải của Công ty Giấy Bãi Bằng có màu đen, có bọt và mùi như trứng thối. Còn nước thải của Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao màu rất đậm đặc do nước thải tuần hoàn chưa chuẩn nên vẫn còn nhiễm a xít.

Công ty Giấy Việt Trì trước đây là một điểm đen của ô nhiễm, đã bị xử phạt vì xả thải bẩn ra sông Hồng, hiện nay vẫn chưa cải thiện nhiều. Còn Nhà máy Dệt Pangrim Neotex nằm trên địa bàn thành phố Việt Trì, vì công suất quá tải, nên nước thải không đảm bảo. Nhà máy này đã bị phạt nhiều lần, hiện chúng tôi đang xử lý, có thể họ sẽ phải chấm dứt hoạt động trong nay mai”.

Ô nhiễm đổ về từ Trung Quốc?

Không chỉ ở Yên Bái, Phú Thọ, ngay từ thượng nguồn thuộc địa phận xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) sông Hồng cũng đã bị đầu độc.

Theo các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung, có những thời điểm không ai dám xuống sông vì lúc đó sông Hồng như bể chứa, bể lắng chất thải, nước sông hôi thối sặc sụa, bọt trắng bọt vàng phủ kín sông.

Khi nước sông rút xuống, thứ chất ô nhiễm đó kết dính vào hai bên bờ sông, vào các bãi đá một thứ màu đỏ quạch, hôi thối, hai bên triền sông đặc quánh, nhầy nhụa với các thứ xơ bã thực vật.

Trung tá, Chính ủy viên Đồn Biên phòng A Mú Sung Hoàng Văn Luật cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi cũng như qua tìm hiểu của người dân thì thứ đặc quánh nhầy nhụa, xơ bã đó chính là bã sắn được thải ra từ các nhà máy chế biến sắn. Tôi khẳng định rằng trong toàn huyện Bát Xát không có nhà máy chế biến sắn. Chất thải này từ bên ngoài vào”. Còn người dân sinh sống lâu đời ở đây cho chúng tôi hay, những chất thải ấy khởi nguồn từ Trung Quốc.

Theo nguồn tin mà NTNN nhận được, trên thượng nguồn phía Trung Quốc hiện có một số nhà máy sắn đang hoạt động suốt ngày đêm, cùng với đó là các bể chứa, bể lắng chất thải xuất hiện ngay bên dòng sông.

Để kiểm định thông tin trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Mai Đình Định – Phó Giám đốc Sở TNMT Lào Cai, ông Định khẳng định: “Thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc có nhà máy chế biến sắn, chính tôi đã có dịp được đến đấy, được vào tham quan nhà máy sắn của họ”.

Nói về sự ô nhiễm sông Hồng, ông Lưu Văn Doanh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ khẳng định: “Nước sông Hồng đã bị ô nhiễm trước khi chảy vào địa phận tỉnh Phú Thọ. Sự ô nhiễm đó xảy ra ở thượng nguồn, bởi sự xả thải bẩn từ phía Trung Quốc”.

Theo kết quả quan trắc định kỳ của Sở TNMT Phú Thọ năm 2010, sông Hồng từ thượng lưu huyện Hạ Hòa tiếp nhận nước thải của Công ty Giấy Lửa Việt có thông số chất rắn vượt 1,15 lần; chất hữu cơ vượt 1,24 lần; nước thải Công ty Giấy Việt Nam có độ màu vượt 2,35-2,5 lần; Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao độ pH không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép, nồng độ chất rắn lơ lửng vượt 1,16 lần; Công ty Dệt Vĩnh Phú có chất hữu cơ vượt 1,24 lần, chất rắn vượt 3,58 lần... Đến nay, chất lượng chất thải của các nhà máy này ra sông Hồng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem