Ông Trương Văn Trai ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho biết, ngư dân đồng thuận chủ trương đánh bắt hải sản đúng quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Điều ông Trai mong muốn là trong tình cảnh khai thác ngày càng khó khăn, ngư dân được nhà nước hỗ trợ thêm trang thiết bị y tế, công cụ để hoạt động trên biển, nhất là thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.
Thực tế cho thấy, nhiều chủ tàu phải mua thiết bị giám sát hành trình, đăng ký nhà mạng của các đơn vị được Nhà nước ấn định, nhưng chỉ hơn 1 năm sử dụng thì máy bị hư, làm ảnh hưởng đến việc giám sát hành trình tàu cá.
Ông Hồ Minh Máy, ngư dân ở huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) kể, cuối tháng 2 vừa qua, ông nhận được thông báo việc tàu cá của ông đang đánh bắt ngoài khơi mất kết nối trong khoảng 1 giờ, đề nghị kết nối lại. Lực lượng chức năng đã đến nhà ông làm việc và yêu cầu ký biên bản vụ việc.
Tuy nhiên, ông Máy cho biết, sau khi kiểm tra lịch trình di chuyển của tàu bằng phần mềm quản lý trên điện thoại ông thấy tàu vẫn bật thiết bị giám sát hành trình bình thường. Vì thế, ông Máy cũng đề nghị các đơn vị cung cấp thiết bị phải có giải pháp khắc phục cho ngư dân.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), cả nước có tổng số tàu cá hơn 91.700 chiếc. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã đạt hơn 95%.
Ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng từ năm 2017. Thẻ vàng IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) - nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Việc này không chỉ gây khó khăn cho ngành thủy hải sản trong nước mà đời sống ngư dân cũng gặp nhiều bấp bênh.
Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đưa ra nhiều kế hoạch hành động nhưng nhiều năm qua, thẻ vàng vẫn chưa được gỡ.
Bất cập vẫn tồn tại hiện nay là hiểu biết của ngư dân về pháp luật còn hạn chế. Sau đại dịch Covid-19, thẻ vàng càng khiến đời sống ngư dân khó hơn. Việc tuyên truyền cho ngư dân có hiểu biết về pháp luật bằng những hình thức dễ tiếp cận là cần thiết.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Thủy sản, công tác trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá còn thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Hiện chỉ có các tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Sóc Trăng... hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS.
Nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt thấp hơn trung bình cả nước như Hải Phòng (89,25%), Nam Định (88.20%), TP.HCM (87,5%), Trà Vinh (87,92%), Bạc Liêu (89,11%)...
Đáng lưu ý là tình trạng mất kết nối VMS vẫn diễn ra phổ biến. Trung bình 1 ngày có khoảng 400-500 tàu mất kết nối trên biển, không rõ nguyên nhân, cần được khắc phục.
Nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân gỡ thẻ vàng IUU
Ông Phạm Văn Thu, ngư dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) kể, vì giá xăng dầu tăng cao, chi phí cho một chuyến đi biển tốn kém hơn rất nhiều. Trong khi ngư trường đánh bắt hạn hẹp, nguồn lợi ít hơn trước đây. Từ sau dịch Covid-19, nhiều tàu cá ngưng hoạt động.
Việc chuyển đổi nghề nghiệp lại không đơn giản với những ngư dân luống tuổi như ông Thu. Cho nên ông vẫn mong muốn được hỗ trợ để có thể tiếp tục bám biển.
Ngư dân mong nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, của chính quyền địa phương về trang bị các thiết bị cứu hộ trên biển. "Những lúc gặp nạn trên biển thì chính những hỗ trợ kịp thời đó sẽ giúp cho ngư dân an tâm ra khơi bám biển", ông Thu nói.
Để góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, vừa giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, vừa qua, Báo Pháp Luật TP.HCM phát động Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển.
Chương trình được tổ chức tại 28 tỉnh thành có biển trên cả nước, trong 3 năm, từ 2023-2025. Tại mỗi địa phương, chương trình sẽ trao quà cho 200 ngư dân. Mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng, bao gồm 1 bộ ắc quy phục hồi, đèn led, phao cứu hộ, 1 túi thuốc và các loại thuốc cần thiết.
Chương trình còn trao học bổng, xe đạp, sách tập cho con em những gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn. Đáng chú ý, Chương trình còn phát hành cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản với rất nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có hơn 2.000 ngư dân, tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ. Trong đó, có gần 150 ngư dân đánh bắt vùng khơi, gần 500 ngư dân đánh bắt vùng lộng, hơn 1.500 ngư dân lao động ven bờ và hậu cần nghề cá.
Thời gian qua, TP.HCM có rất nhiều hoạt động hướng về biển đảo, kịp thời hỗ trợ bà con trong việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản, vừa tổ chức vận động để ngư dân tuân thủ luật pháp khi khai thác trên biển. Đến nay, TP.HCM không có trường hợp nào vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Ông Khuê cũng mong muốn không chỉ chính quyền địa phương mà các tổ chức chính trị xã hội sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ, góp phần nâng cao đời sống bà con ngư dân, nâng cao nhận thức pháp luật của ngư dân khi khai thác, đánh bắt trên biển.
Mục đích để mỗi ngư dân thực sự là một cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực sự là đại sứ tuyên truyền, chung tay tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. "Những nỗ lực đó sẽ góp phần xây dựng ngành thủy hải Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh" ông Khuê bày tỏ.
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, khi bị gắn thẻ vàng, nguồn lợi suy giảm làm ảnh hưởng đến đời sống bà con ngư dân. Thực tế, trong quá trình triển khai pháp luật thời gian qua còn nhiều hạn chế, nên việc tuyên truyền pháp luật đến với người dân là cần thiết.
"Ngoài tuyên truyền pháp luật, ngư dân cũng cần được giúp đỡ để hiểu biết tốt hơn trong bảo vệ môi trường biển, giữ được nguồn lợi lâu dài cho ngư dân trong thời gian tới", ông Luân chia sẻ.
Tháng 10/2017, ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) - nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Và, thủy hải sản xuất khẩu sang EU bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, vì vậy doanh nghiệp mất nhiều chi phí hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.