Theo bệnh sử, chị H. (25 tuổi, ngụ Bắc Giang) mang thai sau 1 năm lập gia đình. Khi đi khám thai lần đầu tại Bắc Giang thì được phát hiện song thai 7 tuần. Khi khám và siêu âm lúc 11 tuần thì được phát hiện mang 1 thai sống 11 tuần và một phôi thai 9 tuần không rõ tim thai.
Sau đó, chị H. đi đến các bệnh viện chuyên khoa sản tại Hà Nội để được khám và tư vấn tình trạng thai. Kết quả khám cho thấy 1 thai phát triển tốt, 1 phôi thai không rõ tim thai nhưng kích thước vẫn lớn lên theo thời gian. Bác sĩ nghi ngờ đây là một biến chứng thai kỳ trong song thai 1 nhau 2 ối (hội chứng TRAPS).
Chị H. được tư vấn đến Bệnh viện Từ Dũ để điều trị can thiệp bào thai, vì nguy cơ tử vong của thai nhi rất cao.
Cuối tháng 8/2023, vợ chồng chị H. từ Bắc Giang đến khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, khám, siêu âm và tư vấn tiền sản. Kết quả cho thấy song thai có chung 1 nhau và 2 túi ối, thai được 22 tuần 4 ngày, cả 2 thai bị đa ối, kèm hội chứng TRAPS.
Các bác sĩ hội chẩn và quyết định cho chị H. nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật can thiệp bào thai - kẹp tắc dây rốn nuôi khối thai bất thường (không đầu, không tim) nhằm cứu sống thai bình thường còn lại.
Sau can thiệp bào thai, chị H. xuất hiện dấu hiệu sinh non với cơn gò liên tục và được điều trị giảm gò bằng thuốc cắt cơn gò tử cung. Sau khi được điều trị, thai nhi phát triển tốt, thai lớn lên theo đúng với tuổi thai và phôi thai bất thường thì không lớn lên nữa, có xu hướng nhỏ dần.
Ngày 12/12, khi thai nhi được 38 tuần, chị H. được mổ lấy thai tại bệnh viện ở Bắc Giang, bé trai cân nặng 3,3kg.
Theo bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, TRAPS là một biến chứng hiếm gặp của song thai có chung một bánh nhau. Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng TRAPS được cho là kết quả của sự thông nối bất thường giữa các mạch máu trong bánh nhau của cả 2 thai. TRAPS xảy ra ở khoảng 1% các trường hợp song thai một bánh nhau và tỷ lệ 1/35.000 ca sinh.
Trong hội chứng TRAPS, có một thai được gọi là "thai không tim", "thai TRAP", là khối thai không có tim hoặc có tim nhưng không hoạt động và nhận máu từ thai còn lại được gọi là "thai bơm". Bởi vì chỉ có một trái tim của thai bơm phải bơm máu cho cả hai thai, nên khiến cho "thai bơm" có nguy cơ bị suy tim.
Nếu TRAPS không được điều trị, "thai bơm" sẽ không sống sót trong 50-75% trường hợp do suy tim. Khi thai không tim không thể sống và phát triển bất thường ngày càng lớn, nguy cơ đối với "thai bơm" tăng lên.
Việc can thiệp bào thai nhằm điều trị một số bệnh lý thai nhi ngay trong bụng mẹ giúp cứu sống nhiều trường hợp bất thường bẩm sinh mà trước đây không thể can thiệp kịp thời sau sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.