Cuối tuần qua, Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Tại đây, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo của đề án đổi mới SGK, trong đó có nội dung và tiến độ áp dụng vào trường học.
Cụ thể, việc tổ chức đề án sẽ chia làm 2 giai đoạn: Từ 2014 đến tháng 6.2016 và từ tháng 6.2016 đến năm 2022. Giai đoạn I sẽ hoàn thành nghiên cứu, xây dựng chương trình tổng thể và thử nghiệm chương trình SGK lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Từ tháng 7.2016 bắt đầu thử nghiệm các môn của các lớp 2, 3, 4, 5, 8, 9, 10 và 11. Đến năm 2022 sẽ hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành chương trình SGK mới.
SGK lớp 1, tập 1 bị phụ huynh kêu ca vì nhiều lỗi chính tả.
Nhiều chuyên gia giáo dục rất lo ngại vì cho rằng việc kéo dài lộ trình thực hiện đến 8 năm là không cần thiết và gây khó khăn cho xã hội. PGS-TS Văn Như Cương đề nghị: "Nên thay SGK đồng loạt từ lớp 1-12 trong 1 năm thay vì thay sách kiểu "cuốn chiếu" 5 năm mới xong".
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng: "Một nước nghèo như nước ta khó có thể thay đổi chương trình SGK liên tục như vậy. Cần có những giải pháp thiết kế sách thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này” - GS Thuyết nói.
GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: "Không phải viết lại SGK từ đầu cho tốn kém, cần kế thừa những thành tựu của thế giới, Việt hóa lại sách nước ngoài ở các môn tự nhiên hay ngoại ngữ cũng rất hợp lý".
Hiện Bộ GDĐT vẫn trong thời gian lấy ý kiến dư luận để hoàn thiện đề án trước khi trình Quốc hội thông qua.
Tùng Anh (Tùng Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.