Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ

Hữu Dụng Chủ nhật, ngày 07/07/2024 17:44 PM (GMT+7)
Cho rằng trang trại lợn Tâm Việt ở Thanh Hóa làm cho nguồn nước suối bị ô nhiễm đen kịt, khiến cá chết và ảnh hưởng đến đời sống, người dân ở xóm Lâm Sinh (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh làm rõ.
Bình luận 0

Nước suối đen kịt, cá chết cả loạt

Trong ngày 4 - 5/7, hàng chục người dân xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An tập trung về khu vực khe Sào thuộc địa phận xóm Lâm Sinh và khu vực trước cửa Trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành ở thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cơ quan chức năng các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa làm rõ việc nguồn nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 1.

Dòng nước ở khe Sào, xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có màu đen kịt chảy từ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về.

Thời gian qua, người dân ở xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phản ánh trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt có địa chỉ ở xã Bãi Trành (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) xả thải ra môi trường làm nguồn nước khe Sào, nước có màu đen kịt, khiến cá chết.

Đây là khu vực giáp ranh giữa  xóm Lâm Sinh (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) và xã Bãi Trành (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).  

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 2.

Nhiều người dân xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An tập trung phản đối, đề nghị làm rõ việc ô nhiễm nước.

Ông Nguyễn Văn Tuyển ở xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết, đây là lần thứ 3 người dân phản ứng việc trang trại chăn nuôi lợn Tâm Việt làm cho nguồn nước suối Khe Sào bị ô nhiễm có màu đen kịt và khiến cá chết. 

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 3.

Dòng nước có màu đen.

"Nguồn nước ở khe Sào giờ đây bị ô nhiễm nặng có màu đen kịt và làm cá chết trắng. Chúng tôi nhiều lần phản ánh và đề nghị các cấp chính quyền của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vào cuộc xử lý dứt điểm việc nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm để đảm bảo cuộc sống cho người dân", ông Nguyễn Trí Phong xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An nói.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 4.

Hồ chứa nước thải nhìn từ trên cao của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt.

Bà Hồ Thị Hường ở xóm Lâm Sinh cho biết, nước khe Sào ở Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An bắt đầu chảy từ C10 xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về. 

"Theo tôi, nước thải từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Tâm Việt khiến cho suối ô nhiễm, cá chết bốc mùi hôi thối. Cây cối thiếu nước nhưng người dân không dám tưới vì nguồn nước bị ô nhiễm", bà Hường cho hay.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 5.

Toàn cảnh trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt.


Cơ quan chức năng 2 tỉnh vào cuộc, kiểm tra thực tế

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là lần thứ 2 chính quyền nhận được phản ánh của người dân về việc trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần Tâm Việt làm ảnh hưởng nguồn nước và khiến cá ở suối chết.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 6.

Sau khi người dân xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phản ánh về việc nguồn nước ở khe Sào bị ô nhiễm, cơ quan chức năng 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã vào cuộc kiểm tra.

Cũng theo ông Hùng sau khi có ý kiến phản ánh của người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An về việc trang trại chăn nuôi lợn Tâm Việt làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân tỉnh bạn, xã đã có ý kiến phản ánh lên huyện. Ngay trong ngày 5/7 chính quyền sở tại của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ an, cùng người dân đã có buổi kiểm tra thực tế và biên bản được lập xong lúc 13 giờ cùng ngày với đầy đủ các thành phần tham gia.

Kiểm tra thực tế, tại thời điểm trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần Tâm Việt đang nuôi 12.000 con lợn (12 chuồng nuôi lợn thịt, 6 chuồng nuôi lợn nái, lợn đực); đã đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 450m/ngày đêm, hệ thống đang vận hành, hoạt động, gồm 4 hố thu phân, 2 hầm biogas, 1 trạm xử lý hóa lý kết hợp vi sinh, 1 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 7.

Cá chế ở khe Sào.

Theo báo cáo, tổng lượng nước thải về hệ thống xử lý khoảng 200 - 250m/ngày đêm. Khảo sát một số vị trí trên tuyến Khe Sào tại xã Nghĩa Yên cho thấy, nước có màu nâu màu cánh gián, trên bề mặt nước có váng; một số vị trí có xác cá bị chết.

Cùng với đó, cơ quan chức năng của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cũng đã lấy 4 mẫu nước, gồm 2 mẫu nước thải của trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành; 4 mẫu nước mặt (2 mẫu nước khe Sào phía địa phận tỉnh Nghệ An; 1 mẫu nước khe Sào, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa gọi là suối Tổng Kho, phía trên trang trại; và 1 mẫu khe từ phía trang trại thải ra suối).

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 8.

Nguồn nước và cá chết bốc lên hôi thối.

Sau khi kiểm tra thực tế và chờ kết quả phân tích các mẫu nước để xác định khe Sào có bị ô nhiễm hay không, đoàn kiến nghị và yêu cầu công ty Tâm Việt phải gia cố bờ bao ao sinh học cuối cùng hiện đang chứa nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo chống thẩm thấu, chống rò rỉ nước thải ra môi trường, thời gian khắc phục trước ngày 5/8/2024. Báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND huyện Như Xuân để theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Công ty Tâm Việt phải lắp đặt biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải từ trang trại ra môi trường; lắp đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải ra môi trường, nước tuần hoàn tưới cây, nước tái sử dụng; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 9.

Nước ở khe Sào (ảnh chụp lúc 16 giờ, ngày 5/7/2024).

Cùng với đó, công ty phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là biện pháp xử lý nước thải theo nội dung Giấy phép môi trường số 163/GP- UBND ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty; khẩn trương rà soát, hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải.

Ô nhiễm nguồn nước khe Sào, người dân đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An làm rõ- Ảnh 10.

Ruồi nhặng bu đen dọc bờ khe Sào.

Cũng tại buổi làm việc đoàn kiểm tra 2 tỉnh đề nghị UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã có liên quan giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt.

Trao đổi với ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết trại chăn nuôi Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt bắt đầu hoạt động chăn nuôi từ tháng 11/2023 và hiện nay vẫn đang trong thời gian nuôi thử nghiệm.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem