Cảng Trần Đề có nhiều tiềm năng trở thành cửa ngõ vùng ĐBSCL
Cảng Trần Đề có nhiều tiềm năng trở thành cửa ngõ vùng ĐBSCL
Thế Anh
Thứ ba, ngày 05/03/2024 06:14 AM (GMT+7)
TS. Trần Khắc Tâm cho biết, ĐBSCL có cảng biển nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5.
Điểm sáng của tỉnh Sóc Trăng là cảng biển của địa phương này được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Trần Đề.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.
Cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ là vùng hấp dẫn trực tiếp đến cảng được hình thành với 8 địa phương, bao gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Đặc biệt, dự kiến đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa được vận chuyển lên nhóm cảng biển số 4 cũng như xuất khẩu trực tiếp qua các cảng ở ĐBSCL (nhóm cảng biển số 5) đạt khoảng 42 triệu tấn. Với quy mô lượng hàng hóa này, vùng hấp dẫn của cảng Trần Đề có thể đáp ứng khoảng 75%, tức sẽ đạt khoảng 31,5 triệu tấn.
Giai đoạn khởi động (từ 2024-2028), quy mô đầu tư của cảng Trần Đề gồm một khu bến ngoài khơi khoảng 81,6ha, cầu vượt biển dài 17,8km với hai làn xe, khu vực bến cảng khoảng 77,5ha, có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn. Cùng đó có luồng hàng hải có chiều dài 4,4km phục vụ cho tàu quay đầu và hai bến phao phục vụ cho tàu hàng rời lên đến 160.000 tấn.
Cảng Trần Đề có khu dịch vụ hậu cần logistics trong bờ được quy hoạch có quy mô đầu tư hơn 4.000ha. Trong đó, giai đoạn khởi động đầu tư quy mô khoảng 1.000ha; Đường kết nối sau cảng dài 6,3km, kết nối vào cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đánh giá về tiềm năng cảng Trần Đề, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương".
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu.
Theo TS. Trần Khắc Tâm, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
ĐBSCL có tiềm năng về địa hình phát triển giao thông: Có đường bờ biển dài 700 km và trên 360 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng.
Cảng Trần Đề có vị trí là cửa ngõ vùng ĐBSCL
TS. Trần Khắc Tâm cho biết, ĐBSCL có cảng biển nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78 của Chính phủ xác định đến năm 2030 phát triển Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thành cảng đặc biệt và là cửa ngõ của vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, ĐBSCL rất thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
ĐBSCL còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng (chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước).
N"ếu hàng hoá nông nghiệp vận chuyển đường bộ thì chi phí cao hơn so với đường sông, đường biển. Vì vậy khi hình thành được cảng biển này sẽ tiết giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư", TS. Trần Khắc Tâm phân tích.
Tại hội nghị "Thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng (giữa kỳ)", ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất cần có chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế… để tăng tính hấp dẫn của dự án cảng Trần Đề.
"Yêu cầu đơn vị tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cần tập trung làm rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa đặc biệt của cảng Trần Đề", ông Lâu đề nghị.
Theo ông Lâu, khi có cảng cùng với những dự án hạ tầng giao thông khác, các địa phương trong khu vực sẽ hình thành các khu, cụm dịch vụ. Qua đó, từng địa phương sẽ tạo được việc làm, ổn định đời sống người dân, nhằm giảm áp lực cho khu vực TP.HCM. Hiện nay, tỉnh đang chờ phê duyệt quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Trần Đề. Sau khi có quy hoạch tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.