Càng trồng càng lỗ nặng, vùng mía Đồng Nai sắp biến mất

Chủ nhật, ngày 25/03/2018 19:05 PM (GMT+7)
Từ tháng 1-2018, đường là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch và mức thuế suất cũng giảm về 0%. Theo đó, giá đường và giá mía nguyên liệu đều giảm về mức thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây.
Bình luận 0

Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng mía càng khốn đốn hơn vì mía rớt giá lại chậm thu hoạch, nắng nóng khiến hàng trăm hécta mía cháy. Ngay cả những vùng quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn cho cây mía, nông dân cũng tính chuyện bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

img

Nông dân thu hoạch mía tại vùng nguyên liệu mía xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) chủ yếu vẫn theo kiểu thủ công.

Càng trồng càng lỗ

Ông Dương Huy Hoàng, nông dân xã Gia Canh (huyện Định Quán), bức xúc: “Vừa qua hàng chục hécta mía ở xã Gia Canh bị cháy khiến nông dân thiệt hại nặng, trong đó có nguyên nhân mía cháy không được thu hoạch ngay. Năm nay giá mía giảm trên 100 ngàn đồng/tấn so với vụ năm ngoái, nhưng nỗi bức xúc lớn nhất của nông dân trồng mía chúng tôi là mía bị thu hoạch trễ đang khô trắng trên đồng, mỗi một ngày chậm thu hoạch là một ngày năng suất giảm”.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng mía, ông Hoàng cho rằng lợi nhuận từ cây mía ngày càng giảm và hiện cây mía thuộc nhóm cây trồng cho thu nhập thấp. Cụ thể, trồng cả năm nhưng 1 hécta mía trúng mùa, trúng giá cũng chỉ cho lợi nhuận vài ba chục triệu đồng. Riêng vụ thu hoạch năm nay đa số nông dân đều lỗ vốn vì cây mía. 

Không chỉ nông dân, các nhà máy đường cũng đối mặt với trăm bề khó khăn. Ông Trần Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), cho biết: “Doanh nghiệp đang thua lỗ nặng vì giá đường sản xuất ra đang cao hơn giá đường bán ngoài thị trường. Từ đầu vụ đến nay, mười mấy ngàn tấn đường sản xuất ra đều tồn trong kho vì không tiêu thụ được. Chúng tôi phải dựng thêm kho tạm mới đủ chỗ chứa đường tồn”.

img

Nông dân Đồng Nai than trời vì giá mía giảm mạnh, thua lỗ. 

Cũng theo ông Ngà, vụ mía năm nay, sản lượng mía đưa vào chế biến giảm hơn so với vụ năm ngoái. Cụ thể, vụ này nhà máy chỉ ép khoảng 200 ngàn tấn mía, chủ yếu là sản lượng mía đã ký hợp đồng thu mua với nông dân chứ không mở rộng thu mua thêm từ các vùng nguyên liệu bên ngoài như các vụ trước. Đến nay, nhà máy đã ép được khoảng 180 ngàn tấn mía và dự kiến trễ nhất là đến ngày 10-4, nhà máy sẽ hoàn tất việc thu hoạch mía.

Vụ sản xuất năm nay, Nhà máy đường Biên Hòa Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cũng không đạt kế hoạch đề ra. Từ đầu vụ đến nay, nhà máy mới chỉ chế biến được khoảng 150 ngàn tấn mía. Dự kiến đến cuối vụ, nhà máy sẽ cố gắng thu mua hết khoảng 50 ngàn tấn mía của nông dân do nhà máy đầu tư chứ không mua mía thêm từ các tỉnh, thành khác như trước.

Nông dân bỏ mía

Từ vài năm trước, các doanh nghiệp ngành mía đường đã nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu mía theo hướng cánh đồng lớn, cải tiến về giống, kỹ thuật sản xuất và nhất là đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho cây mía. Nhưng thực tế, hiệu quả vẫn không như mong đợi.

img

Nông dân tại vùng nguyên liệu mía xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) mong được chuyển đỏi cây trồng.

Cụ thể, niên vụ trước dự án cánh đồng mẫu lớn cho cây mía tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) được đưa vào thử nghiệm khá thành công khi năng suất mía tăng đáng kể, nhưng mức lợi nhuận vẫn không đủ cao để nông dân gắn bó.

Ông Phạm Văn Dân, nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn cây mía Trị An, nhận xét: “Vụ năm ngoái dù làm theo mô hình cánh đồng lớn năng suất mía tăng nhưng nhiều nông dân vẫn chuyển đổi sang trồng cây khác vì lợi nhuận từ cây mía vẫn thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác. Sau vụ mía thua lỗ này chắc chẳng còn ai trồng mía”.

Theo kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến đường, huyện Định Quán đã xây dựng dự án cánh đồng lớn cho cây mía với diện tích vài ngàn hécta. Đến nay, dự án đã hoàn thành về mặt thủ tục, hồ sơ và đang trình chờ UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng với thực tế cây mía đang thua lỗ như hiện nay, chính nông dân tham gia cánh đồng lớn cây mía lại đang mong mỏi được chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân trồng mía tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho rằng: “Tuy chúng tôi đang canh tác trên vùng nguyên liệu mía nhưng khi cây mía quá kém hiệu quả thì doanh nghiệp và chính quyền nên hỗ trợ để nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Dù phía doanh nghiệp nhiều lần triển khai về chính sách hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhưng vẫn trên lý thuyết là chính. Thực tế, cây mía vẫn hoàn toàn sản xuất theo hướng thủ công, kém sức cạnh tranh”.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Cây mía hiện nằm trong nhóm cây trồng kém hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với phía doanh nghiệp sản xuất đường, nếu vẫn không có một hướng phát triển hiệu quả hơn cho cây mía thì chính quyền địa phương sẽ khuyến khích nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác cho lợi nhuận cao hơn”.

Theo ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa Trị An, điểm yếu nhất trong cạnh tranh của cây mía Việt Nam hiện nay chủ yếu là ở khâu thu hoạch. Do vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không hình thành được vùng nguyên liệu lớn để đưa máy móc vào thu hoạch mà vẫn phụ thuộc vào công lao động nên chi phí cao, hiệu quả kém. Một câu chuyện rất lớn ở Đồng Nai là nạn mía cháy. Tính từ đầu vụ đến nay, Nhà máy đường Biên Hòa Trị An đã phải thu mua khoảng 300 hécta mía cháy, tương đương 20 ngàn tấn mía.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem