Cảnh báo nạn tấn công tình dục trong bệnh viện

Thứ bảy, ngày 23/12/2017 06:40 AM (GMT+7)
Một bé gái 13 tuổi đưa cha đi khám bệnh rồi bị một thanh niên của nhà giữ xe xâm hại ngay trong khuôn viên bệnh viện. Câu chuyện xảy ra tại TP.HCM cuối tháng qua được giới truyền thông đăng tải và đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Vụ việc đang được cơ quan thẩm quyền điều tra, nhưng có lẽ đến lúc phải cảnh báo tình trạng này. Vậy là sau câu chuyện rầm rộ bạo hành nhân viên y tế, tấn công tình dục bắt đầu manh nha xuất hiện trong bệnh viện.

img

Thực tế, quấy rối hoặc tấn công tình dục ở các cơ sở y tế không phải là chuyện mới mẻ hay xa lạ gì.

Năm 2013, một bác sĩ người Pháp bị cáo buộc xâm hại tình dục nhiều bé trai ở những nơi ông ta đặt chân đến, trong đó có Hà Nội. Nhưng chuyện này xảy ra bên ngoài cơ sở y tế. Trong khi trước đó một năm, tại TP.HCM, một bé gái ba tuổi bị xâm hại bởi một nhân viên y tế khi được cha dẫn đi khám ở một phòng khám.

Thực tế, quấy rối hoặc tấn công tình dục ở các cơ sở y tế không phải là chuyện mới mẻ hay xa lạ gì. Có điều, theo một nữ điều dưỡng lâu năm trong ngành, nó ít được nói đến vì nhiều lý do khác nhau. K., nữ bác sĩ làm việc tại một trạm y tế mới về hưu, cho biết khi còn đi học y khoa bà từng bị một thầy giáo có gia đình quấy rối bằng nhiều cách thức khác nhau. Bà nói: “Đêm trực bệnh viện nào của tôi ông ta cũng có mặt, tìm cách nắm tay hoặc vuốt tóc tôi. Khi đó tôi rất sợ, nhưng không dám nói vì nghĩ ông ta là thầy của mình”. 

Những kiểu quấy rối trên không xa lạ trong môi trường y khoa, nếu không nói là khá phổ biến khi ngành y tế cũng bị tác động bởi những thay đổi của xã hội bên ngoài. X., nữ thư ký y khoa, 25 tuổi, xinh đẹp, làm việc tại một bệnh viện của TP.HCM, cho biết cô vẫn bị các bác sĩ nam quấy rối tại chỗ làm.

“Phổ biến nhất là họ buông lời gạ gẫm, nắm tay, thậm chí ôm tôi khi phòng khám không có bệnh nhân. Đâu chỉ mình tôi, các đồng nghiệp của tôi cũng bị như thế, nhưng không ai dám nói ra vì xấu hổ hoặc sợ ảnh hưởng đến công việc của mình. Hai năm trước tôi làm việc ở bệnh viện khác cũng gặp chuyện này”, X. chia sẻ. 

Quấy rối tình dục không chỉ nhắm đến nữ nhân viên y tế, mà còn cả bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. M., 29 tuổi, có người thân điều trị ở một bệnh viện lớn ở TP.HCM, kể lại chuyện xảy ra cho mình hồi giữa năm: “Trước ngày mẹ tôi mổ, bác sĩ trưởng khoa kêu tôi vào phòng riêng nói chuyện. Sau vài câu thông báo về diễn tiến sức khoẻ của mẹ tôi, ông ấy hỏi đời tư, xin số điện thoại tôi và đột nhiên đưa tay vuốt má tôi. Quá hoảng sợ, tôi liền bỏ chạy ngay ra ngoài”.

Có lẽ dự báo trước tình hình, nên tháng qua bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh – bộ Y tế cho biết đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám chữa bệnh, và lần đầu tiên những hành động quấy rối hay tấn công tình dục bởi nhân viên, người bệnh, khách đến thăm cũng được xem là một tai biến y khoa như các tai biến phẫu thuật sai sót, sót dụng cụ hay vật lạ trong khi phẫu thuật, chỉ định sai trong dùng thuốc…

Cùng với đó, bộ Y tế buộc các cơ sở y tế phải báo cáo những sự cố y khoa nghiêm trọng như bỏ sót y – dụng cụ trong người bệnh nhân sau khi phẫu thuật, giao nhầm trẻ sơ sinh, giả mạo nhân viên y tế, bắt cóc người bệnh, tấn công tình dục trong khuôn viên bệnh viện...

“Báo cáo những sự cố y khoa như sót dụng cụ, tử vong… không phải là điều dễ dàng vì ảnh hưởng đến uy tín và thành tích của bệnh viện, huống chi là chuyện nhạy cảm như tấn công tình dục, vì nó cần sự chủ động lên tiếng của người bị hại”, một giám đốc bệnh viện nói.

Thực tế ngay cả ở các nước tiên tiến, tình trạng quấy rối hay tấn công tình dục trong bệnh viện không phải hiếm gặp. Năm qua, một nghiên cứu tại Mỹ công bố trên tạp chí uy tín JAMA cho thấy 4% nhân viên y tế nam và 30% nhân viên y tế nữ thừa nhận họ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời hành nghề, và gần 50% người nữ cho biết chuyện này tạo ra những tác động tiêu cực lên nghề nghiệp của họ.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra vì sao có sự khác biệt về tỷ lệ giữa nữ và nam trong chuyện này, đó là tình trạng phân biệt giới tính, xem thường phụ nữ trong môi trường làm việc.

Bác sĩ L., trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở TP.HCM, nói: “Ngoài xem thường phụ nữ, việc xem thường bệnh nhân vẫn tồn tại ít nhiều ở các bác sĩ, đặc biệt là người có chức vụ quan trọng. Họ nghĩ mình ở thế trên, có quyền ban phát cho người khác, nên dễ hành xử không đúng mực. Trong khi đó, do sợ ảnh hưởng đến việc điều trị của mình hay người thân mà người bị hại thường không dám lên tiếng”.

Đối với những nạn nhân bị quấy rối hay tấn công tình dục, việc “phá vỡ im lặng” và lên tiếng tố cáo người làm hại mình không phải là điều dễ dàng, vì thế theo bác sĩ L. để phòng ngừa, khi đi khám bệnh, bệnh nhân không nên để bác sĩ khám riêng cho mình. Họ cần yêu cầu phải có sự hiện diện của người thân, hoặc một nhân viên y tế khác, trong khi bác sĩ khám. Khi trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cũng phải đi chung với người khác, nếu không có người đi cùng thì nên tránh trao đổi ở những chỗ riêng tư.       

Thanh Tâm (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem