Sáng ngày 13.4, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Sơn (SN 1973, trú tại xóm Phúc Long, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sau khi nhận được lời cầu cứu của gia đình.
Trong căn nhà nhỏ, tuyềnh toàng không có thứ tài sản gì đáng giá trị chật kín người đến hỏi thăm, động viên. Bên chiếc bàn thờ mới lập nghi ngút khói hương, hai đứa con của anh Sơn đứng thất thần. Nhận tin anh Sơn đột tử không rõ nguyên nhân, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1977) - vợ anh - như ngã quỵ, ngất lên ngất xuống. Nằm trên chiếc giường ọp ẹp, chị Mai khóc vật vã gọi tên chồng không thành lời.
Chị Nguyễn Thị Mai ngất lên ngất xuống khi hay tin chồng tử nạn ở Angola
Chị Nguyễn Thị Xuân - em gái anh Sơn - kể, anh sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở xã Hưng Tây. Anh lập gia đình với chị Mai và có hai con là cháu Phan Thị Linh (SN 2003) và Phan Thị Trang (SN 2009). Cuối năm 2011, anh Sơn được người quen giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở nước Angola với lời “hứa hẹn” thu nhập 1.000 USD/tháng. Gia đình vay mượn, thế chấp sổ đỏ được 6.000 USD chạyđi Angola.
Hai đứa con của anh Sơn trước di ảnh của bố
“Mấy ngày trước tôi gọi sang bên đó thì anh ấy nói công việc vẫn bình thường nhưng đến sáng hôm qua (12.4) thì mấy anh bạn bên đó báo tin về chồng tôi chết mà không rõ nguyên nhân vì sao”, chị Mai đau đớn.
Bà Nguyễn Thị Kính (70 tuổi) - mẹ anh Sơn - cho biết anh đi lao động nước ngoài theo đường dây "chui" nên không có hợp đồng. Hiện vẫn còn gần 100 triệu chưa trả nợ được. Sau khi thông tin Sơn mất được anh em, bạn bè đi làm cùng xác nhận, gia đình bà Kính đã lập bàn thờ cho con trai. Nhưng việc đưa thi thể con về nước thì quá khó khăn. Trụ cột chính gia đình mất, cả gia đình không biết bấu víu vào đâu khi anh em, họ hàng đều khó khăn. “Người ta bảo để đưa được thi thể về nước cũng phải mất hơn 700 triệu đồng.
Giờ có bán đất, bán vườn đi thì cũng không đủ, lấy đâu ra từng ấy tiền hả các anh… Nghĩ đến cảnh thằng Sơn một thân một mình nằm lại nơi đất khách quê người không có cơ hội được về với tôi và vợ con nó mà đau đớn quá”, bà Kính òa khóc nức nở.
Ông Nguyễn Hữu Chính - xóm trưởng, xóm Phúc Long - cho biết, gia đình anh Sơn thuộc diện khó khăn của xóm. Hiện tại chúng tôi đang vận động người dân trong xóm quyên góp ủng hộ, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình bà Kính.
Trao đổi qua điện thoại, anh Phan Văn Nghĩa (anh họ làm việc cùng anh Sơn - PV) - cho biết, trước khi đi ngủ anh Sơn vẫn trò chuyện với mọi người bình thường. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau (ngày 12.4), khi gọi anh Sơn mà không thấy trả lời, mọi người mới phát hiện anh đã tử vong. Hiện thi thể của anh Sơn đang được chuyển đến nhà xác bảo quản để làm các thủ tục. Cộng đồng người Việt tại Angola cũng đang vận động quyên góp để đưa thi thể anh Sơn về nước an táng.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An - khẳng định, hiện tại Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Hầu hết các lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola đều đi theo đường dây xuất khẩu lao động “chui” và thường phải chịu chi phí đắt đỏ nhưng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro trong quá trình làm việc tại đây.
Chiều ngày, 12.4.2013, anh em bạn hữu đã đến thắp hương tiễn biệt anh Phan Văn Sơn, sau đó đã làm thủ tục đưa thi thể anh vào nhà xác Brenda -Luanda.
“Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nghệ An có khoảng 500 người xuất khẩu “chui” tại Angola và có 7 người đã chết ở Angola. Riêng tình trạng người Nghệ An tử vong trong thời gian làm việc ở bên đó, chúng tôi rất khó can thiệp với đại sứ quán, bởi họ đi chui. Thông qua báo chí, chúng tôi mong muốn công an vào cuộc làm rõ những đường dây đưa lao động đi Angola bất hợp pháp này”, ông Lân cho biết.
Theo Dân trí
Vui lòng nhập nội dung bình luận.