Mang máy bay không người lái ra đồng nhưng... không bay được vì mất sóng, lão nông Ninh Bình lo mất 600 triệu đồng

Trần Quang Thứ sáu, ngày 15/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Cuối tháng 8/2023, gặp PV Dân Việt trên cánh đồng gần nhà, lão nông Trịnh Viết Chiến ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, hơn nửa tháng vừa qua, gia đình ông liên tục gặp khó khi vận hành máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Có thời điểm ông đưa máy ra đồng, pha xong thuốc nhưng máy không bay được nên phải đưa về.
Bình luận 0

Ông Trịnh Viết Chiến ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) bức xúc vì máy bay không người lái dùng để phun thuốc trừ sâu của ông mua từ Công ty CP Đại Thành ở Bắc Ninh hoạt động phập phù.

Máy bay khó cất cánh vì... mất sóng

Chiều 31/8 nắng thu vàng ruộm trải khắp cánh đồng, theo chân lão nông Trịnh Viết Chiến đưa máy bay không người lái ra ruộng lúa gần nhà để phun thuốc trừ sâu thuê cho người dân trong xã, chúng tôi chứng kiến ông Chiến và anh Phạm Quang Đức (con rể của ông Chiến) pha thuốc, chạy máy nổ nạp pin... rất chuyên nghiệp.

Tiếng máy phát sạc pin máy bay kêu vang cả cánh đồng nhưng thỉnh thoảng lại bị ngắt bất ngờ khiến nông lão nông này rất bức xúc. "Chế của máy phát bị hư, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện báo lên công ty bán máy bay để có phương án sửa, thay thế nhưng đến giờ phía công ty vẫn báo chưa có hàng nên chúng tôi vẫn phải chờ gây ảnh hưởng nhiều đến công việc của gia đình".

Ninh Bình: Nông dân điều khiển máy bay phun thuốc trừ sâu gặp khó vì sóng phập phù - Ảnh 2.

Ông Chiến nạp xăng cho máy phát để sạc pin phục vụ máy bay không người lái.

"Dù là một bộ phận nhỏ của máy phát nhưng do là sản phẩm độc quyền nhập khẩu nên chúng tôi không thể tự khắc phục hoặc mua thay thế được mà phải chờ công ty gửi hàng về mới chạy máy ổn định", ông Chiến nói.

Sau khi pha thuốc trừ sâu đổ vào bình máy bay và hoàn thiện các công việc định vị vùng phun, ruỗi cánh máy bay. Tuy vậy, từ hơn 14 giờ đến hơn 15 giờ ngày 31/8 nhưng anh Đức vẫn lay hoay... tìm sóng để máy bay cất cánh. Đến hơn 17 giờ chiều, hai bố con ông Chiến vẫn chưa thể vận hành được chiếc máy bay trị giá gần 600 triệu đồng của gia đình.

Phản ánh bức xúc với chúng tôi, anh Phạm Quang Đức cho biết, anh được ông Chiến giao lái máy bay phun thuốc trừ sâu, bón phân từ dịp Tết năm 2023. Thời gian đầu máy bay không người lái hoạt động khá hiệu quả nhưng thỉnh thoảng sóng yếu khó bay.

Ninh Bình: Nông dân điều khiển máy bay phun thuốc trừ sâu gặp khó vì sóng phập phù - Ảnh 3.

Ông Chiến bên bình phân bón dùng để lắp trên máy bay không người lái bón phân cho ruộng lúa.

Tuy nhiên, từ khoảng giữa tháng 8/2023 đến giờ, thời tiết nắng ráo nhưng máy bay phun thuốc trừ sâu hoạt động rất phập phù và thường xuyên khó cất cánh vì không bắt được sóng.

"Các ruộng lúa của bà con và gia đình tôi đang vào vụ rất cần phun thuốc trừ sâu nhưng máy bay không cất cảnh phun thuốc được khiến tôi rất sốt ruột và người dân cũng bức xúc", anh Đức chia sẻ.

Ông Chiến cho biết thêm, từ năm 2020, ông đã đầu tư mua máy bay phun thuốc sâu của Công ty CP Đại Thành, có địa chỉ ở Bắc Ninh nhưng sau nhiều lần gặp sự cố và rơi khoảng 6-7 lần khiến ông rất chán nản.

"Khi mua máy bay, chúng tôi được công ty cho tập huấn bay phun thuốc rất kỹ và bài bản nhưng khi vận hành bay phun thuốc, dù không va hay gặp vật cả nhưng máy vẫn rơi. Mỗi lần rơi chúng tôi đều gọi cán bộ kỹ thuật của công ty để bảo hành, sửa chữa nhưng họ yêu cầu tôi phải gửi máy bay về công ty, đưa hộp đen sang Trung Quốc để phân tích, tìm nguyên nhân. Không chỉ tồn nhiều chi phí sửa chữa mà thiết bị của công ty cũng ít nên phải chờ khá lâu mới có thiết bị thay thế"- ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, gia đình ông đã phải chi hơn 500 triệu đồng mua máy bay nhưng chi phí sửa chữa trong khoảng hơn 2 năm sử dụng cũng đến cả trăm triệu đồng. Đến năm 2022, ông đành phải bán lại may bay cũ cho công ty với giá khoảng 100 triệu đồng và mua máy bay mới với giá gần 600 triệu đồng. 

Ông Chiến cho biết: "Dù máy bay mới mua hiện đại hơn, máy tự lập trình, tự động phun thuốc bài bản và hiệu quả hơn nhưng đến giờ tôi vẫn gặp khó vì máy bay hoạt động phập phù, sóng bay rất chập chờn".

Ninh Bình: Nông dân điều khiển máy bay phun thuốc trừ sâu gặp khó vì sóng phập phù - Ảnh 5.

Cận cảnh chiếc máy bay không người lái dùng để phun thuốc trừ sâu, bón phân được ông Chiến mua từ đại lý của Công ty CP Đại Thành (Bắc Ninh) trị giá gần 600 triệu đồng.

Cũng theo ông Chiến, hơn nửa tháng trở lại đây, sóng rất kém, lúc bay được lúc không. Có vài lần chúng tôi đưa máy bay ra ruộng nạp đủ thuốc trừ sâu, sạc pin nhưng không bay được nên đành phải đưa thuốc về đến hôm sau lại đưa máy ra đồng.

Để tìm giải pháp khắc phục, hai bố con ông Chiến đã nhiều lần gọi điện cho cán bộ của Công ty CP Đại Thành- đơn vị bán máy bay để phản ánh nhưng không có phản hồi tích cực. "Phía công ty họ bảo do sóng từ máy chủ bên Trung Quốc kém nên không chỉ máy bay của tôi mà các máy bay hoạt động ở các vùng khác cũng gặp khó. Lúa đang nhiều sâu bệnh, máy bay mua đắt tiền không hoạt động được khéo chúng tôi phải trả máy về công ty", ông Chiến ngậm ngùi.

Ninh Bình: Nông dân điều khiển máy bay phun thuốc trừ sâu gặp khó vì sóng phập phù - Ảnh 6.

Ông Chiến nạp thuốc trừ sâu cho máy bay không người lái.

Theo ông Chiến, hiện nay, gia đình ông đang cấy 140 mẫu, toàn bộ khu ruộng đều được làm bằng máy, trong đó máy bay không người lái phục vụ việc khâu phun thuốc trừ sâu và bón phân. Ngoài việc vận hành máy phục vụ các khu ruộng của gia đình, bố con ông Chiến còn thường xuyên đưa máy đi phục vụ nông dân trong và ngoài tỉnh.

"Máy bay phun thuốc, bón phân rất nhanh và hiệu quả. Nếu có sóng đều, mỗi ngày chúng tôi có thể phun thuốc sâu cho hàng chục ha lúa nhưng giờ sóng kém, máy bay hoạt động chập chờn nên nhiều ngày tôi không dám nhận đơn hàng phun thuê sợ bị gặp sự cố", ông Chiến ngậm ngùi.

Theo kinh nghiệm làm nông của ông Chiến, trong thời điểm lúa mùa có sâu, bệnh, hàng ngày ông thường chọn thời điểm buổi chiều khoảng từ 14 giờ đến 17 giờ, trời nắng đẹp, cây lúa đã ráo sương để phun thuốc trừ sâu đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, do máy bay liên tục mất sóng khiến kế hoạch, công việc của ông bị đảo lộn khá nhiều.

Ninh Bình: Nông dân điều khiển máy bay phun thuốc trừ sâu gặp khó vì sóng phập phù - Ảnh 7.

Anh Đức cho biết, từ khoảng giữa tháng 8/2023 đến giờ, máy bay phun thuốc trừ sâu hoạt động rất phập phù và thường xuyên khó cất cánh vì không bắt được sóng bay.

Nhân viên công ty vẫn mời chào bán máy bay... có sóng bay ổn định

Trong vai người có nhu cầu muốn mua máy bay không người lái để để chăm sóc lúa, chúng tôi được anh Tuấn Anh, giới thiệu là nhân viên phụ trách bán hàng của Công ty CP Đại Thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng mời chào mua hàng rất nhiệt tình.

Ngày 4/9, chào hàng qua điện thoại với PV, Tuấn Anh giới thiệu: Bên em đang có rất nhiều dòng từ loại 20,30 đến 40 lít... trong đó có dòng 300 PRO có thể mang được 30 lít nước phun đa năng địa hình có thể phun thuốc cho dứa, lúa và các loại cây trồng. Khi mua máy, công ty sẽ hỗ trợ đào tạo 2 "phi công" điều khiển và xin cấp phép bay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng hay Thanh Hóa, Nghệ An đều được.

Về chính sách bảo hành, Tuấn Anh cho biết, công ty sẽ bảo hành với thân máy là 1 năm, các thiệt bị khác khoảng 6 tháng. Khi không may bay bị rơi, nếu còn trong thời gian bảo hành, công ty sẽ trích xuất "não" của máy tìm nguyên nhân. Nếu máy bay rơi do máy sẽ thay thế cho anh... Kể cả anh thay thế linh kiện bị hỏng thì bọn em chỉ cần gửi về làm trong ngày là xong.

PV hỏi: Hiện các máy bay mà nông dân mua của công ty vẫn hoạt động tốt chứ? Tuấn Anh khẳng định: Từ khi khách mua máy bay đến giờ chả thấy ai kêu gì. Thực ra nó là đồ điện tử nên khi bay xong mình chỉ cần rửa, vệ sinh máy tốt là được. Khi mình có bản đồ sẵn thì mình phun lúc nào cũng được...

PV hỏi tiếp: Các máy bay mua của công ty vẫn có mạng hoạt động bình thường chứ?  Tuấn Anh vẫn quả quyết: Vâng, máy mới bên em có trạm phát sóng di động mang theo nên dù vào vùng sóng yếu vẫn bay bình thường.

PV hỏi tiếp: Đến nay các nông dân mua máy của công ty có phản ánh máy bay bị rơi hay lỗi mạng không? Tuấn Anh trả lời: Chưa có, máy của bọn em chạy bằng sóng RTK, sóng vệ tinh. Trên thị trường hiện có nhiều công ty bán máy chạy bằng sóng GPS đôi khi mạng mất liên tục nhưng máy bay của em vẫn hoạt động ổn định.

"Ông Chiến ở Ninh Khang (Hoa Lư) cấy hơn 140 mẫu, ông mua máy bay của công ty hơn 500 triệu dùng rất ngon nhung có nhược điểm là không gấp được cánh nên phải dùng ô tô vận chuyển..."- Tuấn Anh nói thêm.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đem vấn đề nông dân làm cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Bình mua máy bay nông nghiệp của Công ty CP Đại Thành nhưng khó sử dụng vì sóng kém, ông Nguyễn Đức Trường - Giám đốc Công ty CP Đại Thành (Bắc Ninh) cho biết, do hệ thống mạng viễn thông, mạng vệ tinh gặp bão điện từ, đây là vấn đề chung của toàn hệ thống chứ không phải riêng của ai.

"Đây là điều bất khả kháng. Trong thời gian nào đó gặp bão mặt trời, điều kiện bất khả kháng thì máy sẽ không chạy ổn định được còn bình thường thì máy vẫn hoạt động bình thường", ông Trường khẳng định.

PV hỏi: Vậy vì sao nhân viên của công ty vẫn đi mời chào bán máy bay nông nghiệp có sóng ổn định? Ông Trường cho hay: Đây là điều bất khả kháng, trên cơ sở dữ liệu của chúng tôi thì chúng tôi làm, còn ở điều kiện bất khả kháng, khi có bão mặt trời thì toàn bộ thiết bị liên quan đến đều bị ảnh hưởng. 

"Có thể do nhân viên của tôi giải thích chưa kỹ và nói chưa hết ý với khách hàng. Tình trạng máy bay hoạt động ổn định trên cơ sở mà chúng tôi quản lý được, chứ không phải là trong điều kiện bất khả kháng", ông Trường giải thích thêm và nói sẽ làm việc với nhân viên của công ty về vấn đề này.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Còn nữa



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem