Cánh đồng mẫu điêu đứng vì dịch bệnh

Thứ ba, ngày 23/10/2012 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông dân ở ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) đang điêu đứng vì lúa bị bệnh đạo ôn và nhiễm khuẩn dù sản xuất theo đúng quy trình được hướng dẫn.
Bình luận 0

Một nửa diện tích bị nhiễm bệnh

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vụ lúa thu đông này đã có 52/110ha lúa của bà con nông dân trong cánh đồng mẫu bị nhiễm bệnh. Năng suất dự kiến sẽ giảm khoảng 30%. Gia đình ông Thạch Thênh trồng 5 công (1 công là 1.000m2) lúa giống OM 4218, hiện bị phát bệnh với khoảng 60% diện tích. Kể từ khi vào cánh đồng mẫu làm đúng kỹ thuật theo hướng dẫn, năng suất lúa của gia đình ông luôn đạt khoảng 10 tấn/ha.

img
Lúa trong cánh đồng mẫu ở ấp Cầu Tre bị thiệt hại nặng do dịch bệnh.

Đây là vụ đầu tiên gia đình ông bị thiệt hại nặng do bệnh đạo ôn và nhiễm khuẩn. Từ đầu vụ đến nay, ông Thênh đã đầu tư 2 triệu đồng/công để mua giống, phân bón và các chi phí khác. Khi lúa bị phát bệnh, ông phải đầu tư thêm 1 triệu đồng/công để mua thuốc bảo vệ thực vật và vôi về điều trị.

Ông Thênh cho biết: “Không hiểu sao ở vùng này chỉ có giống lúa OM 4218 là phát bệnh. Lúa bị cháy lá, phun thuốc vẫn không thuyên giảm mà đứt ngang rễ rối chết. Vụ này ruộng lúa của gia đình tôi sẽ giảm từ 40 - 50% năng suất do dịch bệnh”. Không riêng gì ông Thênh mà nhiều nông dân trồng giống OM 4218 cũng phát hiện bệnh đạo ôn trên ruộng. Gia đình ông Trần Hồng có 5,4ha lúa đang giai đoạn làm đòng đã bị bệnh đạo ôn và nhiễm khuẩn.

Ông Thạch Kiên – Trưởng ấp Cầu Tre cho biết: “Nông dân đang dùng thuốc bảo vệ thực vật cứu chữa nhưng chắc chắn năng suất sẽ giảm rất nhiều. Phần lớn nông dân dùng giống OM 4900, OM 4218 và IR – 504 LN nhưng chỉ có giống OM 4218 bị nhiễm bệnh”.

Ông Hồng cho biết: “Mỗi vụ lúa, chi phí về tiền thuốc bảo vệ thực vật tốn khoảng 20 triệu đồng. Nhưng hiện nay, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày phòng, chống bệnh đạo ôn và nhiễm khuẩn, gia đình đã tốn gần 10 triệu đồng mua thuốc và vôi theo hướng dẫn phòng, trị của cán bộ kỹ thuật An Giang…”. Ngoài ra, theo ông Hồng năng suất lúa giảm 40 – 50% (nếu chặn đứng được bệnh). Hiện ruộng của gia đình có khoảng 3,8/5,4ha không thể nào cứu vãn và dự kiến sẽ đưa máy vào xới bỏ, để đất trống chờ sản xuất vụ lúa đông xuân.

Toàn bộ diện tích đất trong vùng kênh bê tông nổi hiện nay do đơn vị Công ty cổ phần BVTV An Giang đảm nhận thực hiện mô hình cánh đồng mẫu và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, đầu tư lúa giống (giống xác nhận OM 4218) và thuốc BVTV. Nhiều nông dân cho rằng, lúa bị nhiễm dịch bệnh là do giống.

Khẩn trương dập dịch

Theo thống kê của cán bộ nông nghiệp xã Phú Cần, đến ngày 17.10, tại vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre đã có 62 hộ bị thiệt hại do lúa mắc bệnh đạo ôn và nhiễm khuẩn (tất cả nguồn lúa giống do Công ty BVTV An Giang đầu tư cho nông dân theo hình thức trả cuối vụ). Trong đó, có 21,9ha của 14 hộ có lúa bệnh với tỷ lệ trên 50%.

Ông Nguyễn Văn Diệp – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiểu Cần cho hay: Cán bộ kỹ thuật của BVTV An Giang đang tích cực triển khai công tác phòng trị bệnh trên lúa cho nông dân; đồng thời huy động toàn bộ lực lượng kỹ thuật (FF) đang phụ trách các địa bàn trong huyện về cùng địa phương cùng ngành nông nghiệp và phối hợp nông dân tổ chức phun xịt thuốc, bón vôi. Tuy nhiên tình hình bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều diện tích có nguy cơ khó hồi phục.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem