Cánh đồng thân thiện môi trường, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu
Nông dân TP.HCM xây dựng cánh đồng thân thiện môi trường, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu
An Hải
Thứ ba, ngày 12/11/2024 05:00 AM (GMT+7)
Mô hình cánh đồng xanh thân thiện môi trường là một trong nhiều mô hình đang được nông dân các huyện nông thôn mới TP.HCM triển khai nhằm nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện Chương trình công tác Hội và phong trào Nông dân, mới đây Hội Nông dân xã Tân Phú Trung, Chi hội Nông dân ấp Láng Cát - Láng Cát A (huyện Củ Chi, TP.HCM) tổ chức ra mắt "Mô hình cánh đồng xanh thân thiện môi trường - Nơi tập kết vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật".
Theo Hội Nông dân xã Tân Phú Trung, đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của hội viên nông dân và nhân dân về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân xã đã triển khai mô hình thu gom rác thải nông nghiệp ngay trên đồng ruộng. Tại các điểm thu gom được bố trí những vòng bê tông hình trụ, có gắn biển "nơi tập kết vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật".
Người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ tập kết vỏ chai vào các điểm thu gom này, sau đó sẽ có đơn vị thu gom và xử lý theo quy định.
Đơn vị tổ chức đánh giá, từ khi có mô hình này bà con có ý thức thu gom mang vỏ chai thuốc bảo vệ vật để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp hơn, không gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, mô hình tập kết vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng được triển khai nhân rộng, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sống, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.
Việc thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật còn góp phần làm sạch đẹp môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe người dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao cảnh quan nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Được biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Thành phố khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường.
Phát triển nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới
Kế hoạch Thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2025 nêu rõ, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm phát triển các mô hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như một nguồn tài nguyên tái tạo, bền vững.
Cạnh đó cần rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm nông nghiệp sinh thái.
Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động xử lý, cải tạo ô nhiễm môi trường. Quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Có giải pháp thu hút mạnh mẽ đầu tư xử lý nước thải, chất thải rắn, trước hết ở các cụm công nghiệp, dịch vụ, khu xử lý rác tập trung.
Triển khai mạnh mẽ các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh. Từ đó, nâng cao chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn.
Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, cấp xã có 100% số xã đạt tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố giai đoạn 2021-2025.
Cấp huyện có 100% số huyện đạt tiêu chí số 8 về chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới. Trong đó có ít nhất 40% đạt tiêu chí số 8 về chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.