Cảnh giác tác dụng phụ của thuốc

Thứ tư, ngày 27/11/2013 14:02 PM (GMT+7)
Người dân uống thuốc nhưng không mấy khi để ý tới tác dụng phụ của thuốc. Theo các chuyên gia y tế, 70% phản ứng có hại có thể phòng ngừa được nếu người dân có kiến thức về sử dụng thuốc.
Bình luận 0
Nhiều tác dụng phụ từ thuốc

TS Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) cho biết, vài năm gần đây, vấn đề “cảnh giác dược” (các tác dụng phụ có hại của thuốc - ADR) đã được ngành y quan tâm. Việc đưa ra các báo cáo về ADR có thể giúp các bác sĩ thận trọng hơn khi kê đơn cho bệnh nhân. Điều này làm giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, cũng như bảo vệ tính mạng bệnh nhân.

Các bác sĩ cần theo dõi sức khỏe của bệnh nhân để cảnh báo về các tác dụng có hại của thuốc (ảnh minh họa).
Các bác sĩ cần theo dõi sức khỏe của bệnh nhân để cảnh báo về các tác dụng có hại của thuốc (ảnh minh họa).

TS Hoàng Anh cho biết, theo một số nghiên cứu, có đến 19% bệnh nhân gặp ADR, trong đó 70% có thể phòng ngừa được. Tại Mỹ, ADR được xếp thứ 4 trong 6 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của Mỹ. Ở Đức, chi phí y tế do ADR gây ra là 588 triệu USD/năm, ở Anh con số này là 847 triệu USD.

Nghiên cứu về tỷ lệ nhập viện do những biến cố liên quan đến thuốc tại một số bệnh viện lớn của TS Nguyễn Tuấn Dũng (Trường Đại học Y Dược TP. HCM) cho thấy, 111 bệnh nhân (trong tổng số hơn 3.200 hồ sơ, chiếm 3,4%) gặp các phản ứng có liên quan đến thuốc. Gần 84% các phản ứng được đánh giá là trung bình và 6,3% là rất nặng. Theo TS Dũng, những bệnh nhân gặp phản ứng rất nặng do thuốc có nguy cơ tử vong rất cao.

Một nghiên cứu khác của DI&ADR tại 16 bệnh viện với gần 640 báo cáo về ADR cho thấy, các bệnh nhân gặp các triệu chứng đau, phản ứng dị ứng, nôn và buồn nôn, rối loạn thị giác, sốc phản vệ và một số phản ứng khác trên gan, hệ thần kinh, tim mạch… Nhiều bệnh nhân bị ban đỏ, nổi mụn, bong da, đổ mồ hôi, ngứa… Các nhóm thuốc nghi ngờ gây ra ADR dẫn đầu là thuốc điều trị lao (hơn 38,3%); kháng sinh (34,8%); chống viêm/giảm đau (9%); Đông y (2,4%); thuốc cản quang (1,7%)…

9 tháng, gần 4.000 báo cáo

Theo TS Nguyễn Hoàng Anh, cảnh giác dược đang được hệ thống y tế tại Việt Nam đề cao và theo dõi chặt chẽ. Nếu năm 2011, Trung tâm DI&ADR chỉ nhận được hơn 2.500 báo cáo về ADR thì năm 2012, đã có 3.000 báo cáo. Tính đến hết tháng 9.2013, trung tâm đã nhận được hơn 3.800 báo cáo ADR.

Ngày 26.11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết về cảnh giác dược năm 2013. Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, mỗi năm hệ thống kiểm thuốc đã kiểm tra hàng chục nghìn mẫu thuốc. Kết quả cho thấy số lượng thuốc kém chất lượng luôn chiếm 2,67 - 3,33% số mẫu kiểm nghiệm. Ngoài ra, tỷ lệ thuốc giả cũng tăng từ 0,09% (năm 2005) lên 0,12% (năm 2009).

Các báo cáo này đến từ các bệnh viện, các công ty sản xuất kinh doanh dược và các báo cáo tự nguyện của một số dự án quốc gia phòng ngừa lao, HIV, sốt rét. “Tuy nhiên, mới chỉ có 17 công ty dược thường xuyên gửi các báo cáo ADR (chiếm 3,4% tổng số các báo cáo). Đây là một con số quá nhỏ, so với lực lượng hùng hậu các công ty sản xuất và kinh doanh dược tại Việt Nam” – TS Hoàng Anh cho biết. Trong số các báo cáo đã có 1.563 báo cáo được xử lý (chiếm 40%), chủ yếu là các báo cáo khẩn.

TS Nguyễn Đăng Hòa – Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ, nhờ chuỗi 12 báo cáo ADR của Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau về việc bệnh nhân bị sốc sau khi truyền nước, DI&ADR đã vào cuộc điều tra và kết luận lô nước cất tiêm (ống 5ml), số đăng ký: VD-9182-09, lô sản xuất: 132013 (hạn dùng: 180616) do Công ty cổ phần Armephaco (Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Quân đội) sản xuất, không đạt Nội độc tố vi khuẩn và ngừng lưu hành.

Bà Hoàng Thanh Mai - Phó Trưởng phòng Quản lý thông tin quảng cáo thuốc – Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, dựa trên các cảnh báo dược và kết luận của hội đồng kiểm tra, năm 2013, Cục Quản lý dược đã ra 14 văn bản có liên quan đến các phản ứng phụ của thuốc. Trong đó, 6 văn bản liên quan về phản ứng có hại của thuốc, 4 văn bản yêu cầu thay đổi nhãn, 2 văn bản đình chỉ và thu hồi thuốc khỏi thị trường, 2 văn bản tạm ngừng sử dụng thuốc. Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đã kiến nghị Bộ Y tế xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện về việc báo cáo ADR.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem