Từ lời kể của những bị hại, sự tổng kết của các luật sư (LS) Đoàn luật sư TP.Hà Nội, qua hoạt động bào chữa, tư vấn pháp luật thấy thủ đoạn lừa đảo vay "tín dụng đen" có biểu hiện:
Thứ nhất, khi người dân nhận tiền vay họ phải ký vào hợp đồng bán, chuyển nhượng nhà, đất ở cho bên cho vay, với giá chuyển nhượng chỉ bằng số tiền vay hoặc thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng. Ví dụ được vay 300 -500 triệu đồng, nhưng phải ký bán căn nhà trị giá 3 tỷ đồng người dân nghĩ việc đó chỉ để làm tin, xem như hình thức thế chấp tài sản.
Thứ hai, người dân khi nhận tiền vay phải ký hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình, rồi cho bên cho vay cầm giữ "sổ đỏ". Thủ tục công chứng, chứng thực những giấy tờ trên do bên cho vay liên hệ, việc công chứng, chứng thực có khi thực hiện ở ngay quán cà phê, quán cóc, tại nhà...
Hai bên thống nhất với nhau khi nào bên vay trả tiền thì bên cho vay sẽ hủy hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng ủy quyền đã ký. Sau khi có được hợp đồng mua bán, bên cho vay đã ngấm ngầm làm thủ tục sang tên trở thành người sử dụng nhà, đất rồi bán cho người khác hoặc làm tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng.
Ông Chu Quang Tiến - Cục phó Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội nêu trường hợp tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), gần 20 hộ dân được một công ty cho vay tiền nhưng phải ký vào hợp đồng ủy quyền và giao "sổ đỏ" cho phía công ty. Người của công ty này đã mang "sổ đỏ" của người dân đi thế chấp vay khoản tiền lớn của ngân hàng. Khi công ty không có khả năng trả nợ, ngân hàng thông báo phát mại tài sản người dân ở đây mới ngã ngửa.
Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì quy trình xét duyệt hồ sơ, thẩm định cho vay của các ngân hàng rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể xảy ra trường hợp rủi ro đạo đức (cán bộ ngân hàng tiếp tay cho sai phạm) hoặc do cán bộ thẩm định làm qua loa, không phát huy hết tinh thần trách nhiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.