Ngày 15.8, đại diện Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Dù có độc lực cao đối với người và gia cầm, nhưng cúm A/H5N6 vẫn ở trong tầm kiểm soát, người dân không nên hoang mang”.
Không nên hoang mang
Là địa bàn phát hiện virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm, ông Nguyễn Nam Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 24.4 cơ quan chức năng của Lạng Sơn phát hiện có 2 hộ gia đình ở ở thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định ốm chết.
Đến ngày 25.4, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm và gửi về Cục Thú y. Sau khi Cục Thú y giải trình tự gene, đã đưa ra kết luận dương tính với virus cúm H5N6 vào ngày 29.7.
“Chúng tôi đã phối hợp với Cục Thú y để tổ chức khoanh vùng để truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu điều tra. Cả 7 mẫu gửi đi xét nghiệm mới nhất đều dương tính với H5N6. Sự việc đã xảy ra gần 4 tháng và hiện tại không phát hiện virus này nữa, người dân ở Tràng Định vẫn chăn nuôi bình thường. Tôi cũng xin nhắc lại, virus này được phát hiện dựa trên sự lấy mẫu giám sát định kỳ của cơ quan thú y, chứ không phải bùng phát thành dịch rồi mới được phát hiện”- ông Hùng nói rõ thêm.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn – Giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn cũng cho biết, hiện công tác giám sát cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai thường xuyên, đặc biệt là công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu được các cơ quan chức năng Lạng Sơn tiến hành rất tốt. Công tác lấy mẫu ở các hộ chăn nuôi, ở chợ gia cầm… để giám sát cúm gia cầm cũng được các cơ quan thú y địa phương tiến hành theo đúng quy trình.
Trong khi đó, đại diện Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, virus cúm gia cầm H5N6 được cảnh báo là có độc lực cao, nhưng thực tế cũng được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ cách đây 4 tháng qua chương trình giám sát định kỳ.
Ngành thú y của Hà Tĩnh đã tiến hành tiêu huỷ và thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, đặc biệt là ở khu vực xóm Tân Sơn, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh. Qua chương trình tăng cường giám sát và tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực Kỳ Anh và những địa bàn lân cận đến nay đều không phát hiện chủng viruss cúm A/H5N6.
Chưa có bằng chứng lây từ người sang người
Theo thông tin do Cục Thú y cung cấp, tại Trung Quốc đã phát hiện ca tử vong ở người đầu tiên do nhiễm virus cúm A/H5N6. Cụ thể, bệnh nhân là nam giới, 49 tuổi, sống ở hạt Nam Bộ của thành phố Nam Trung thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Người này phát bệnh từ ngày 22.4 và tử vong vào ngày 6.5 tại bệnh viện. Theo Trung tâm Khống chế và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc, các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đức, Thụy Điển, Mỹ và Đài Loan cũng đã phát hiện virus cúm A/H5N6 độc lực thấp (LPAI) trên đàn vịt trời và chim hoang dã.
Tại Lào cũng đã phát hiện các mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N6 nhưng không gây bệnh lâm sàng cho gia cầm tại tỉnh Luang Prabang vào tháng 7.2014.
Trao đổi với NTNN, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay khi phát hiện virus cúm gia cầm chủng H5N6 trên đàn gà ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và đàn vịt ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chúng tôi đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm trên để đề phòng virus có khả năng phát tán ra môi trường và đàn gia cầm khác.
Tuy nhiên, sau đó theo ông Thành, trong quá trình xét nghiệm, chỉ phát hiện được H5 là dương tính, nhưng N lại là âm tính. "Chúng tôi gửi tham chiếu đến các phòng thí nghiệm quốc tế để xác định giải trình toàn bộ bản đồ gene và xác định chủng cúm A/H5N6 và có hơn 99% giống với chủng virus phát hiện ở Trung Quốc có độc lực cao" - ông Thành thông tin.
Ông Thành cũng cho biết: Chủng virus cúm A/H5N6 khác chủng virus H5N1 vốn lưu hành phổ biến và gây dịch trên đàn gia cầm trước đây. Còn chủng gây ra cái chết của người đàn ông ở Trung Quốc là chủng độc lực cao đối với người và gia cầm, nhưng chưa có bằng chứng lây lan từ người sang người.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường lấy mẫu của gia cầm ở Hà Tĩnh và Lạng Sơn. Đặc biệt, ngành thú y còn giám sát cả đàn chim hoang và vịt trời, bởi điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, có xuất hiện đàn chim hoang và đàn vịt trời ở khu vực này trước khi có dịch bệnh xảy ra”- ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, qua báo cáo lấy mẫu giám sát ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh chưa có mẫu nào dương tính với cúm A/H5N6, nên công tác kiểm soát dịch cúm vẫn đang được triển khai tốt.
“Vấn đề quan trọng nhất để kiểm soát cúm A/H5N6 cũng như các chủng virus cúm khác trong thời điểm này vẫn là phải kiểm soát thật tốt tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, bởi chủng virus H5N6 tìm thấy ở Việt Nam giống chủng virus động lực cao ở Trung Quốc”- ông Thành nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt buôn bán gia cầm qua biên giới
Hôm qua 15.8, Bộ NNPTNT đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành về phòng chống dịch cúm H5N6 từng gây tử vong trên người. Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh thực hiện ngay các biện pháp sau: Tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp qua biên giới; Thực hiện nghiêm túc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Tăng cường công tác giám sát lâm sàng và lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm trên gia cầm và môi trường tại chợ buôn bán gia cầm sống, trên gia cầm nhập lậu, tiêu huỷ đàn gia cầm dương tính với virus cúm….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.