Cảnh giác với sự xuyên tạc cá tra

Thứ năm, ngày 15/07/2010 05:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo VASEP, tình hình sản xuất, tiêu thụ và chế biến - xuất khẩu cá tra, basa hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do “chiến lược xuyên tạc” loại cá có giá trị xuất khẩu rất cao này từ nước ngoài.
Bình luận 0
 img
Sáu tháng đầu năm 2010, xuất khẩu cá tra đã mang về cho đất nước 630 triệu USD.

Lập quỹ để bảo vệ cá tra, basa

Tại hội thảo “sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa” tổ chức ngày 14- 7 ở Cần Thơ, ông Dương Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đặc biệt nhấn mạnh những thông tin bất lợi về cá tra xuất hiện ở nước ngoài gần đây.

Ông Minh và nhiều đại biểu cho biết: Đang có một “chiến lược xuyên tạc” cá tra – basa Việt Nam được một số doanh nghiệp nước ngoài ngấm ngầm xây dựng, mà chủ yếu là từ Mỹ. Bằng chứng là trong suốt 3 năm gần đây, cứ vào thời điểm xuất khẩu cá tra – basa của Việt Nam tăng mạnh, gần như chắc chắn sẽ xuất hiện một hoặc nhiều thông tin trên các kênh truyền thông ở các quốc gia – vùng lãnh thổ có tiềm năng trở thành “đối thủ” về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

“Sắp tới, chúng tôi chủ trương vận động 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu vào thị trường Mỹ, lập 1 quỹ để xây dựng chương trình phản đối lại những doanh nghiệp, những cơ quan chuyên tung tin nói xấu hình ảnh cá tra Việt Nam” – ông Minh khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Phòng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất, để đối phó với những thông tin bất lợi cho cá tra, basa, chúng ta cần sớm tiến hành thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Khi đã có một hiệp hội đúng nghĩa sẽ bảo vệ lợi ích tốt hơn cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, dự liệu: Với cá tra, Việt Nam hiện vẫn là số một. Nhưng chúng ta sắp có đối thủ cạnh tranh rất mạnh là Myanmar. Họ cũng có phong trào nuôi mạnh và nông dân cũng có kinh nghiệm nhiều năm. Hiện tại họ đang bị cấm vận nên chưa trực tiếp cạnh tranh với ta. Nhưng sắp tới thì khác…

Vì vậy, nhất thiết các doanh nghiệp, người dân phải cùng bắt tay xây dựng nhanh thương hiệu cá tra Việt Nam theo chuẩn quốc tế, để có thể cạnh tranh và đứng vững ở ngôi số 1 được!

Khó từ trong ra ngoài

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, có một số vấn đề mới đặt ra trong xuất khẩu cá tra, basa, đó là giá mua cá của nông dân vẫn thấp; hiệu quả của người nuôi và chế biến chưa cao... Điều này tiềm ẩn nguy cơ tăng trưởng mất ổn định. Vì vậy, trước mắt, chúng ta cần nỗ lực bảo vệ những thị trường đang có, và phải tiếp tục theo dõi những diễn biến của thị trường để có sự chủ động.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Thế Năng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Hiện khu vực ĐBSCL có 9 tỉnh – thành nuôi cá tra – basa và 40 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Vì vậy, cung đã vượt cầu, nên không thể không xảy ra tình trạng các doanh nghiệp tự hạ giá để tranh bán”.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP đưa ra cảnh báo: Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về hơn 630 triệu USD cho Việt Nam. Tình hình xuất khẩu có tăng ở thị trường Mỹ và Nam Mỹ, nhưng các thị trường khác lại gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính do đồng Euro giảm giá mạnh; sự cạnh tranh khốc liệt từ cá da trơn khác và cá rô phi Trung Quốc...

Thậm chí tại một số thị trường điển hình như Ucraina, biến động chính trị làm tình hình xuất khẩu của cá tra vào nước họ giảm gần 30% so với nửa đầu 2009. Trong tháng 7 này, dự báo tình hình sẽ tiếp tục bất lợi và xuất khẩu có thể ngưng trệ do biến động của thị trường châu Âu.

“Các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ nguyên liệu để vượt qua thời điểm khó khăn và hy vọng có giá tốt hơn sau khi các nước nhập khẩu mua trữ lương thực trở lại. Nhưng tốt nhất vẫn là tự tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ mới thay vì chỉ trông chờ vào thị trường truyền thống…”- ông Hoè nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem