Những cây gỗ sưa cổ thụ trăm năm tuổi bỗng trở thành những kho báu trăm tỷ ở nhiều làng quê Việt Nam. Thế nhưng, khi cơn sốt gỗ sưa nổi lên như một cơn bão, những “cây vàng cây bạc” ấy lại trở thành “nguồn cơn” của những lo lắng vì kẻ trộm ngày đêm rình mò, chỉ cần hở ra là vào cưa trộm một khúc cây sưa đem bán kiếm vài chục triệu. Cuộc chiến bảo vệ những cụ sưa cổ thụ ở các làng quê bắt đầu…“Mặc áo giáp sắt” cho cây sưa trăm tuổi.
Ngày đêm canh gác "cụ cây còn lại"
Hòa Chính là một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, với 4 thôn: Lưu Xá, Phụ Chính, Lý Nhân và Yên Nhân, nhưng nổi tiếng hơn cả chỉ có thôn Phụ Chính. Lý do: trong ngôi chùa làng hàng trăm năm tuổi đang giữ một “báu vật”: Cây sưa cổ thụ ngót nghét 200 năm tuổi.
Ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính khẳng định, tuổi đời của “cây vàng cây bạc” làng mình cũng phải tới 200 năm, từ lúc các cụ khai hoang lập ấp, dựng chùa xây miếu đã có cây này. Cây có đường kính hai người ôm không xuể, tán xanh um như một chiếc ô khổng lồ.
Cây sưa cổ thụ tại đền Chóa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Cây chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh to hơn một người ôm. Năm nọ, có cơn bão lớn đổ vào làng quật gãy một cành sưa, cây bị mất đi một nửa tán nhưng vẫn lên xanh tốt. Cành sưa gãy đó, dân làng bán được hơn 30 triệu đồng và lấy đó làm kinh phí để trùng tu, xây chùa, tu sửa đường thôn ngõ xóm.
Nhưng, năm 2012, lại một đại họa khác ập đến với “kho báu” của làng: lợi dụng một đêm mưa bão, kẻ xấu táo tợn cắt khóa cổng chùa, vào chặt trộm nốt cành sưa còn lại. Cây sưa trơ toen hoẻn cái thân bị cụt ngọn, chỉ còn những cành nhỏ cỡ bắp tay.
Sau sự việc đó, dân làng Phụ Chính bảo nhau mua… sắt “phi” 6 dựng nguyên cây, rào thành hàng rào xung quanh thân cây còn lại, rồi thuê máy hàn về hàn thành từng đai sắt để bảo vệ cây quý. Một tổ bảo vệ cũng được thành lập, hệt như đền Chóa bên Yên Phong (Bắc Ninh), ngày đêm canh gác phần cây còn lại.
Nỗi lo sưa tặc có thể yên tâm, bởi việc gia cố và sức người bỏ ra; mặt khác, UBND xã Hòa Chính nằm đối diện với chùa làng Phụ Chính, thêm một “cửa” bảo vệ gia tài của cả dân làng. Nhưng, sức công phá của thời gian, mưa bão… thì không ai có thể ngăn được.
Từ vết cưa trộm, vết thân cây gãy do bão quật đổ một nhánh chính năm 2010, thân cây chính của cây sưa cụt ngọn mỗi năm bị mục ruỗng. Phần vỏ phía bên ngoài cây khô và bong gần hết, có nhiều đoạn gần gốc cây cho thấy bộ rễ đã chết đi phần nhiều. Lấy cây sắt chọc vào thân, cả đoạn sắt dài hơn mét như chọc vào bao cát: thân cây đã bị rỗng đến lõi. Mưa nắng, ẩm mốc tiếp tục tấn công, nhìn khối tài sản ngang vàng ròng mỗi ngày mỗi mất, lòng người càng thêm quặn thắt…
Nhiều người trong giới chuyên môn về làng định giá, thân cây sưa còn lại đáng giá khoảng 100 tỷ đồng. Thế nhưng, do thời gian, mưa nắng, cây bị mục ruỗng từ ngoài vào trong, nếu có gạn hết đi phần gỗ rác, cũng chỉ còn 2 - 3 phần so với ban đầu.
Xót của. Một cuộc họp thôn được tổ chức vào năm 2016: bà con viết đơn tập thể kiến nghị chính quyền cho hạ cây sưa cổ thụ đã cụt ngọn, tổ chức đấu giá để hoàn thiện nốt công trình chùa Phụ Chính đang còn dang dở.
Để bảo vệ cây sưa cổ thụ cụt ngọn vì sét đánh tại chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ), người dân phải rào bằng lồng sắt thế này.
Ngày 4-10, lãnh đạo UBND xã Hòa Chính cho biết đang xin ý kiến của huyện và thành phố về việc bán cây sưa từng được định giá 100 tỷ đồng ở chùa làng Phụ Chính theo nguyện vọng của người dân. Nếu được thành phố chấp thuận thì cây sưa sẽ được bán đấu giá công khai.
Trụ trì chùa Phụ Chính giãi bày: chúng tôi mong chính quyền địa phương bán cây sưa vừa để có kinh phí trùng tu các công trình phúc lợi, lại không phải sống trong cảnh bất an, lo lắng cây bị chặt hạ như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính thông tin: “Chúng tôi cũng chỉ được nghe qua báo chí, là TP Hà Nội đã đồng ý cho dân làng được hạ cây sưa già xuống để bán đấu giá. Đó là tài sản của làng Phụ Chính, đấu giá được bao nhiêu sẽ phục vụ cho việc tôn tạo, tu bổ các công trình của thôn, xây chùa Phụ Chính… Xã tuyệt không tơ hào một đồng nào. Nhưng, đấy mới chỉ là nghe qua báo chí chứ chúng tôi cũng chưa được nhận văn bản chấp thuận từ trên xuống”.
Cả làng lập “đội tự vệ” canh giữ cây quý
Câu chuyện hy hữu có một không hai: cả làng lập “đội tự vệ” có một nhiệm vụ tối thượng, đấy là ngày đêm canh giữ… cây sưa hàng trăm năm tuổi trước cổng đền Chóa, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh
Đền Chóa nằm trên khu đất cao và ở vị thế cực kỳ phong thủy: trước đền là hồ nước rộng vài ha, trong leo lẻo; xung quanh hồ là cây cổ thụ chen chúc, tán tròn xoe, không lọt nắng. Và, một cụ sưa cổ thụ đang trùm bóng xanh ngút mắt mà từ xa cũng đã nhìn thấy.
Ông Nguyễn Duy Oanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thôn Chân Lạc quả quyết: Cây sưa này không dưới 150 năm tuổi, bởi cứ tính thảy từ đời cụ kỵ ông bà đến giờ, đời ông là đời thứ ba, đã thấy cái cây này nó sừng sững từ hồi ông còn bé tý.
“Dưới gốc đa ngoài cửa đền có một tấm bia đá. Năm 1999, có người của Sở Văn hóa về đọc chữ Nho trên đó và bảo nó đã có 128 năm rồi. Bia đá đó ghi lại công đức của những người đã hiến ruộng để mở rộng hồ bán nguyệt. Khi đó, chắc chắn đã phải có cái cây này rồi, vì người ta chỉ mở rộng hồ đến gốc cây là dừng lại”. Hồ rộng gần 1 mẫu, được gần chục hộ dân trong xóm Chóa góp 7 sào ruộng công điền; gần một vạn ngày công của cả làng góp lại, chiếc hồ bán nguyệt mới hình thành.
“Cây vàng cây bạc” đứng ở ngay mé phải trước cửa đền, gần với bờ hồ. Thân cây có đường kính hơn một vòng ôm người lớn. Bộ rễ của cây choải khắp mặt đất, từ gốc thân chính tõe ra xung quanh, những vồng rễ lớn trông như những con quái thú. |
Câu chuyện về cây sưa cổ thụ đền Chóa hẳn sẽ mãi bình yên và không có gì xảy ra, nếu như không có sự xuất hiện của mấy tay thương lái. Số là, năm 2009, thời điểm dưới Hà Nội người dân đang hoang mang vì nạn “sưa tặc”, rồi sau đó là vài chục tên trộm sưa phải hầu tòa…, đền Chóa có vài ông khách lạ “mò” đến.
Họ đánh xe hơi xuống gặp các cụ trong Ban quản lý, rồi thẳng thắn ngã giá hỏi mua cây sưa cổ thụ đền Chóa với giá 1,5 tỷ đồng. Số tiền ấy đối với đền Chóa là một tài sản khổng lồ, và có thể đủ để làm mới toàn bộ khu di tích đang xuống cấp trầm trọng.
Nhiều cuộc họp được đưa ra để luận bàn, rốt cuộc, UBND xã Dũng Liệt, Ban quản lý Di tích đền Chóa đi đến thống nhất: không bán cây sưa. Nhưng rồi, trong một đêm mưa gió, kẻ xấu mang cưa đến chặt trộm một cành sưa mọc chỉa ra mé hồ. Ác cái (cho bọn trộm) nhưng cũng là may mắn cho làng Chóa, cành sưa bị cưa trộm vì mọc chìa ra mé hồ nên khi cưa xong, cành cây rơi xuống nước. Nghe tiếng động lớn, ông Lợi ở trong đền chạy ra xem, bọn trộm thấy động tháo chạy để lại cả cái cưa dưới gốc cây.
Sớm hôm sau, trai tráng trong thôn được gọi tới kéo cành sưa dưới đáy hồ lên và cân được ngót 2 tạ. Cho đến khi có người đến thăm và bảo đó là cây sưa quý lắm, gỗ bán bằng cân, thợ buôn gỗ định giá cỡ tỷ rưỡi đồng thì các cụ mới tá hỏa. Vì thế, các cụ bàn bạc tìm cách bảo vệ cây sưa.
Đội bảo vệ cây sưa được chia làm hai tổ, mỗi tổ 5 người, cùng với 2 “ông đám” (người được dân làng cử ra trông coi đền trong vòng 2 năm, giống như các ông thủ từ) ngày đêm “trực chiến” canh giữ cây sưa.
Ông Lợi cho hay, ban ngày không lo vì có bà con lối xóm thường xuyên qua lại, nhưng ban đêm, giữa khu đền vắng thế này đôi lúc nghĩ cũng sợ bởi giá trị của cây sưa quá lớn.
Tôi hỏi: “Vậy nếu bọn trộm cứ liều lĩnh xông vào cưa đổ cây thì các cụ làm thế nào?”. Ông Lợi bảo: “Nếu có động tĩnh là bật hết điện ngoài kia lên, gọi ngay cho đội tự vệ rồi mới xông ra tiếp ứng. Có ctahuyện gì là sẵn sàng chiến đấu ngay, quyết không để cho kẻ gian cướp mất tài sản quý giá của dân làng”. |
Linh Di (ANTG)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.