Cảnh sát lạm quyền: “Tưởng lầm, bắn lộn”!

Thứ ba, ngày 26/03/2013 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau vụ cảnh sát Cleveland (Mỹ) rượt đuổi rồi bắn chết 2 người, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) vào thứ năm vừa qua, phải mở cuộc điều tra về việc cảnh sát thành phố này có lạm dụng quyền thi hành công vụ?
Bình luận 0

Đây là cuộc điều tra mới nhất về “nghi án” cảnh sát địa phương lạm quyền trên toàn nước Mỹ. Đã có những vụ cảnh sát “tưởng lầm” bị đe dọa tính mạng nên nã đạn trước, sau đó hóa ra họ “bắn lộn” làm chết oan người ta.

img
Các bảng đếm dấu đạn

137 phát đạn giết 2 người

Thomas E. Perez, phó chưởng lý phụ trách mảng dân quyền của DOJ (có thể được Tổng thống Barack Obama chọn làm Bộ trưởng Lao động) nói đây là một cuộc điều tra rộng, và “Cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ công dân và được cấp quyền thi hành công vụ, gồm quyền sử dụng vũ lực nguy hiểm

. Nhưng dứt khoát cảnh sát sử dụng quyền đó phải chịu trách nhiệm và hành động trong khuôn khổ luật pháp”. Perez còn nói đoàn điều tra “sốt ruột” hợp tác với lãnh đạo thành phố cùng sở cảnh sát Cleveland (CPD) để bảo đảm cảnh sát phải giữ được lời thề là phải bảo vệ công dân”. Tuyên bố này cho thấy DOJ rất lo ngại chuyện lạm dụng quyền thi hành công vụ của cảnh sát CPD.

Hồi năm ngoái, các quan chức địa phương đã nhờ DOJ xem xét hành động của cảnh sát sau một vụ rượt đuổi bằng xe, kết thúc là cảnh sát bắn 137 phát đạn khiến 2 người là Timothy Russell (nam, 43 tuổi) và Malissa Williams (nữ, 30 tuổi) chết trên xe họ. Có thông tin mỗi nạn nhân bị bắn trúng hơn 20 phát đạn vào đầu, mặt, và bụng khi xe họ bị một xe tuần tra chặn đầu.

Theo cuộc điều tra cấp bang, vào lúc 3 giờ sáng 29.11.2012, cảnh sát của nhiều thành phố - gồm Cleveland - đã ngồi trên 62 xe cảnh sát tham gia cuộc rượt đuổi kéo dài 25 phút khi Russell phóng xe vượt đèn đỏ. Hai cảnh sát đang đứng trên con đường cho biết đã nghe nhiều tiếng súng từ một chiếc xe do Russell lái và Williams ngồi cạnh bắn ra, và họ trông thấy một vật kim loại có thể là một lon nước giải khát trên tay Williams.

Cuộc rượt đuổi kết thúc khi 13 cảnh sát liên tục nã đạn vào xe của Russell. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm suốt đoạn đường diễn ra cuộc rượt đuổi đã không tìm được khẩu súng nào, và cũng không thấy chiếc vỏ đạn nào trên ghế ngồi của Russell và Williams. Cuộc điều tra phát hiện âm thanh mà các sĩ quan cho là tiếng súng hầu như chắc chắn là là động cơ xe Russell nổ to!

Trong báo cáo, công tố viên trưởng Mike DeWine của bang Ohio cho rằng về phía cảnh sát Cleveland có lỗi hệ thống: “chỉ huy yếu kém, không có liên lạc với nhau”. Từ vụ bắn người chết oan này, một số người dân và gia đình hai nạn nhân xấu số đòi giám đốc CPD Mike McGrath phải từ chức.

Cộng đồng địa phương bức xúc, nói đây là một vụ bắn chết người mang tính kỳ thị chủng tộc, do Russell và Williams đều là người Mỹ da màu. Còn theo cuộc điều tra riêng của Hãng tin NewsChannel5, trong 10 năm qua, cảnh sát Cleveland đã bị tố cáo quá lạm dụng quyền thi hành công vụ. Dưới đây là những vụ việc nhiều tai tiếng:

- Ngày 10.3.2102, Kenneth Smith 20 tuổi bị cảnh sát Roger Jones (không trong ca trực) bắn chết ngoài đường. CPD giải thích Smith bị chặn xe nhưng chống cự và toan chộp lấy một khẩu súng. Nhưng trong đơn kiện của mẹ nạn nhân vào ngày 8.3.2013 nêu Smith không có súng và đang giơ tay đầu hàng thì bị Jones bắn vào đầu. Tối hôm ấy, Jones vừa rời khỏi bàn nhậu tại một hộp đêm vũ thoát y. Ông ta không hề bị kỷ luật. Bà Shauna hy vọng cuộc điều tra sẽ giúp bà dịu nỗi đau mất con.

- Daniel Ficker chết đúng vào Lễ độc lập của Mỹ, ngày 4.7.2011, sau khi bị một cảnh sát bắn chết ở ngoài nhà anh. Tay cớm Matthew Craska cho biết anh ta đã đi đón đồng nghiệp Dave Mindek (không trong ca trực) và đến nhà Ficker, toan hỏi Ficker về một vụ trộm nhà Mindek. Gia đình Ficker đã đâm đơn kiện Craska cùng Mindek. Nhưng sau đó tòa thị chính Cleveland không xử kỷ luật Craska, chỉ “khiển trách” Mindek. Sau thông tin DOJ mở cuộc điều tra, bố mẹ Ficker hy vọng cái chết của con trai họ sẽ được làm sáng tỏ.

- Brandon McCloud: bị các cảnh sát bắn chết ngày 1.9.2005. Anh bị bắn 10 phát đạn ngay trên giường ngủ, khi “cớm” đến nhà với lệnh bắt anh ta vì đã thực hiện nhiều vụ trộm. Cảnh sát giải thích McCloud cầm dao chặt thịt đe dọa họ. Nhưng luật sư của gia đình nạn nhân xấu số nói cuộc điều tra cho biết McCloud bị bắn khi đang ngồi, và các sĩ quan đã vi phạm nhiều quy định khi đối phó với nghi can.

Đánh vì “tưởng” hắn vượt ngục!

Theo báo điện tử Cleveland.com, thanh tra Christopher Ereg là người tham gia vụ rượt đuổi khiến Russell và Williams bị bắn chết. Hồi tháng 10.2012, đã có một đơn kiện lên tận cấp tòa liên bang, cáo buộc Ereg cùng nhiều cảnh sát khác lôi xềnh xệch một phụ nữ 26 tuổi vào một xe tuần tra, rồi trói cô ấy thật chặt đến độ sau khi được thả, nạn nhân bị chấn động thần kinh phải chịu giải phẫu.

Các tài liệu nêu Ereg sau khi tan ca thì điều hành một công ty tư nhân chuyên về cung cấp vệ sĩ bảo vệ VIP. 4 trong 13 cảnh sát tham gia cuộc rượt đuổi Russell-Williams đều có “thành tích” lạm dụng quyền thi hành công vụ. Hồi tháng 8.2011 cũng có hai sĩ quan khác bị tố cáo “ra tay quá đáng” trong lúc thực hiện một vụ bắt giữ: các thanh tra Erin O'Donnell và Michael Demchak cùng 2 cảnh sát bị buộc tội đánh một quản ngục ở một nhà tù đến chấn thương nặng: người quản ngục đang sửa một lỗ thủng ở hàng rào nhà tù, nhưng hai thanh tra đang đi tuần “tưởng lầm” đó là một vụ vượt ngục!

Người quản ngục đâm đơn kiện đòi Tòa thị chính Cleveland phải bồi thường 900.000USD. NewsChannel5 cho biết đội kiểm tra điều lệnh của sở cảnh sát thành phố ban đầu yêu cầu các sĩ quan “giàu trí tưởng tượng” phải bị truy tố, nhưng các lãnh đạo sở bác đề nghị này và “bao che” các thanh tra này bằng cách tuyên bố họ chẳng làm gì sai phạm. Điều này khiến tay chỉ huy đội kiểm tra điều lệnh (chuyên điều tra các vụ vi phạm quy định làm việc) nghỉ việc.

img
Cựu cớm Dorner khi còn là lính thủy đánh bộ và khi làm cảnh sát LAPD

Cảnh sát phải “học thêm”

DOJ nêu cuộc điều tra sẽ xét lại nhiều chủ trương hành động của CPD, gồm quy định bắt giữ, khâu huấn luyện và tinh thần giữ lời thề bảo vệ công dân của các cảnh sát. Ông Perez không cho biết DOJ sẽ điều tra vụ việc nào.

Trước đó, DOJ cũng từng thực hiện một cuộc điều tra về các tố cáo CPD lạm dụng quyền thi hành công vụ cho đến năm 2004 thì kết thúc. Lúc đó DOJ đã yêu cầu CPD ngưng lạm quyền và huấn luyện nghiệp vụ “phụ đạo” cho các cảnh sát thuộc sở. Các yêu cầu sửa đổi quy định làm việc còn buộc:

- Thêm chữ “tôn trọng” vào trước câu “Sự sống của người khác sẽ dẫn dắt cảnh sát trong việc sử dụng quyền lực”.

- Phải định nghĩa sử dụng quyền lực nguy hiểm là bất kỳ hành vi nào gây ra cái chết hoặc bị thương nặng. Hành vi này có thể là sử dụng súng, nhưng cũng gồm bất kỳ công cụ nào: xe tuần tra, vũ khí bén nhọn...

- Cần xách định rõ thế nào là “nghi can chống cự quyết liệt” hoặc “nghi can chống cự thụ động” và “các hành vi có thể gây chết người của nghi can”.

Tòa thị chính Los Angeles phải chi 40.000USD để mua đền một chiếc xe tải cho bà Emma Hernandez 71 tuổi và con gái bà là Margie Carranza 47 tuổi - cảnh sát Los Angeles (LAPD) đã vãi đạn vào xe họ vì ngỡ đó là chiếc xe của Christopher Dorner, một cựu cảnh sát phạm tội đang bị truy nã. Sáng 7.2.2013, khi hai mẹ con bà Hernandez đang đi giao báo ở một khu ngoại ô thì bị LAPD “tưởng lầm”, nên bà bị trúng hai phát đạn vào lưng, Carranza chỉ bị thương ở tay.

Đây là một vụ bẽ mặt của LAPD, khi họ mở rộng cuộc truy nã Dorner - là cuộc truy bắt tội phạm lớn nhất bang California. Dorner là cựu cớm LAPD bị đuổi việc hồi năm 2008, bị tố cáo giết 4 người trong một cuộc trả thù LAPD. Trong một vụ đấu súng, hắn bị bắn chết ngày 12.2.2013. May cho LAPD là họ chỉ phải đền chiếc xe bị đạn, hai người phụ nữ trong “vụ án viên đạn lạc” này không đòi bồi thường vì thương tích. Hai sĩ quan “bắn lộn” vẫn được làm nhiệm vụ, do cuộc điều tra vụ “bắn lộn” của họ vẫn đang được tiến hành.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem