Cảnh sát PCCC TP.HCM: Không nên mua xăng, dự trữ trong nhà
Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo người dân không nên mua xăng dự trữ trong nhà
Quang Sung
Thứ ba, ngày 11/10/2022 09:11 AM (GMT+7)
Những ngày qua, tình trạng thiếu xăng diễn ra trên địa bàn TP.HCM. Trước thực tế đó, nhiều người dân có ý định mua xăng dự trữ, tuy nhiên theo cảnh sát PCCC TP.HCM thì đây là hành động nguy hiểm vì có thể gây ra những vụ cháy nổ thương tâm.
Hiện nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP.HCM có tình trạng thiếu hụt cục bộ, lo sợ không có nguồn nhiên liệu để sử dụng, nhiều người dân đã có suy nghĩ tích trữ trong nhà để dùng dần. Đây là hành động nguy hiểm vì có thể gây ra những vụ cháy, nổ thương tâm.
Sở dĩ có tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu là do việc nhập khẩu của một số đơn vị bị gián đoạn, việc vận chuyển vừa qua cũng bị ảnh hưởng do tình hình bão lụt ở miền Trung. Do đó, một số cửa hàng bán lẻ đã tạm ngưng hoạt động, hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp.
Các cây xăng tại TP.HCM những ngày này luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hồng Phúc
Tình trạng người dân xếp hàng mua xăng vẫn tiếp diễn trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Trung bình mỗi người chờ khoảng 15 - 20 phút để đến lượt đổ xăng, hầu hết mọi người đều đổ đầy bình. Một số phải quay xe tìm cây xăng khác khi chờ đợi lâu. Một số người dân mang theo can loại lớn để mua xăng nhưng không được bán để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo khuyến cáo của cảnh sát PCCC TP.HCM, xăng dầu là loại chất nguy hiểm gây cháy, nổ và có tính chất lý, hóa đặc biệt. Nếu xăng, dầu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, gặp sự cố như bị va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa sẽ dẫn đến việc rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm dễ cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp.
Khi tồn chứa xăng, dầu không an toàn có thể dẫn đến sự cố cháy hoặc nổ. Đám cháy lan rất nhanh (vận tốc cháy lan theo bề mặt có thể đạt đến trên 40m/phút), tỏa ra nhiều khói, chất độc gây nguy cơ tử vong của người trong nhà rất cao. Đồng thời gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cháy, nổ gây chết người do tích trữ xăng dầu trong nhà. Ngày 22/2/2020, ông Nguyễn Văn Vinh (48 tuổi, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định) đã xuất viện về nhà. Trong căn nhà vẫn còn loang lổ những vết cháy, điều ông Vinh đau lòng nhất không phải tài sản, nhà cửa đã bị thiêu rụi, mà là đứa con gái 5 tuổi của ông đã ra đi mãi mãi.
Vụ cháy xảy ra ngày 8/2/2020, ban đầu chỉ là ngọn lửa nhỏ, nhưng rồi bùng phát vì can xăng 12 lít ông Vinh để gần đó chia nhỏ bán lẻ. Rất đông bà con đã đến dập lửa, tuy nhiên việc dập lửa bằng nước làm cho ngọn lửa có xăng càng bùng phát dữ dội. Khi phát hiện lửa cháy lan vào trong nhà, cháu bé hoảng loạn, lùi vào phòng nhỏ bên trong, đóng cửa kín nên đã chết ngạt.
Nguyên nhân vụ cháy được cơ quan Công an xác định là do hệ thống điện nhà ông Vinh bị chập. Ngọn lửa phát ra từ điện gặp can xăng nên bùng cháy. Nếu như lúc này có bình chữa cháy và biết sử dụng thì đám cháy đã được dập tắt ngay từ đầu, không lan to như vậy. Và nếu như hiểu biết hơn về cách dập lửa thì hậu quả đau lòng đã không xảy ra. Trong khi đó, cách nhà ông Vinh khoảng 5m là đống cát lớn của nhà kế bên đang dùng xây nhà nhưng đã không sử dụng để dập lửa.
Nhiều cây xăng treo bảng ngưng bán, hoặc chỉ bán giới hạn. Ảnh: QS
Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn PCCC, Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) đưa ra khuyến cáo:
- Không tích trữ xăng dầu tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho gia đình.
- Trường hợp cơ sở, hộ gia đình cần thiết tích trữ xăng dầu thì cần có biện pháp bảo quản an toàn:
+ Phải bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở; khu vực tồn chứa xăng dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu;
+ Có biện pháp ngăn xăng dầu tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt; các thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…); trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa…;
+ Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu;
- Khi gặp đám cháy xăng dầu cần:
+ Hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết;
+ Báo cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, công an hoặc chính quyền nơi gần nhất;
+ Sơ tán tài sản, phuy xăng dầu lân cận (nếu có) ra vị trí an toàn;
+ Không chữa cháy xăng dầu bằng nước.
+ Dùng bình chữa cháy loại bọt, bột để dập tắt đám cháy;
+ Dùng cát để đắp đê ngăn không cho chất cháy chảy loang;
+ Dùng chăn chiên thấm nước phủ hoàn toàn bề mặt của đám cháy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.