Cạnh tranh yếu, nông sản TP.HCM vào chuỗi đếm trên đầu ngón tay

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 13/04/2019 19:10 PM (GMT+7)
TP.HCM có 5.000 trang trại hộ gia đình, 68 hợp tác xã (HTX) và gần 229 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, số lượng nông sản được tham gia vào các chuỗi tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được cho là do sản phẩm có tính cạnh tranh thấp.
Bình luận 0

Nghịch lý

Tại hội thảo “Phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM” tổ chức ngày 9.4, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM Nguyễn Tuấn cho biết, thời gian qua, dù thành phố đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ và nhà sản xuất nông sản với nhiều hình thức, nhưng vẫn chưa tạo được đột phá rõ rệt cho việc tiêu thụ nông sản.

img

Rất ít sản lượng rau của nông dân TP.HCM được các kênh phân phối của thành phố tiêu thụ do không thể cạnh tranh với nông sản các tỉnh, thành.  Ảnh: P.V

"Hầu hết các mặt hàng của cơ sở sản xuất, HTX tại các huyện, quận chưa xây dựng thương hiệu, chưa quan tâm để quảng bá sản phẩm hàng hóa. Với quy mô nhỏ lẻ rất khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối”.

Ông Nguyễn Văn Tủi - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.HCM)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP.HCM, các sản phẩm từ chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của thành phố đang có bước phát triển mạnh, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp dự kiến tăng bình quân từ 450 triệu đồng/ha năm 2017 lên 800 triệu đồng/ha vào năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Tủi - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.HCM), từ đầu năm đến nay, hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản của thành phố mới ký được… 28 hợp đồng với nhà sản xuất nông sản trên địa bàn.

Ông Nguyễn Nhật Trường - Trưởng bộ phận thu mua nông sản Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết đã ký 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op với các HTX, doanh nghiệp thành phố.

Theo ông Nguyễn Tuấn,  nông sản mà các đơn vị phân phối lớn của thành phố như: Saigon Co.op, Satra, Vinmart… thu mua phần lớn là từ các tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Văn Mùa - Giám đốc HTX nuôi tôm công nghệ cao Hiệp Phước (Nhà Bè) cho biết, dù tôm của HTX đạt chất lượng VietGAP nhưng vẫn chưa vào được siêu thị. “Yêu cầu của siêu thị rất khó thực hiện. Họ lấy tôm sống hàng ngày với số lượng vài chục, vài trăm kg, trong khi HTX thu hoạch tôm theo mùa, số lượng hàng trăm tấn” - ông Mùa nói. 

Hoạt động kinh doanh với hình thức “mở” như chợ đầu mối Bình Điền, theo ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Satra, số lượng nông sản thành phố vào chợ cũng rất thấp so với quy mô sản xuất.

Nâng chất…

img

TP.HCM đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế sản phẩm lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sẽ rất cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật, chưa liên kết về mặt buôn bán và chất lượng sản phẩm. Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng theo yêu cầu của nhà phân phối.

Quy mô nhỏ lẻ khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Bên cạnh đó, chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý gây khó cho người sản xuất.

img

Theo Hội Nông dân TP.HCM, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố đưa vào thị trường tiêu thụ hiện còn ở mức độ khá khiêm tốn. Sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng đến 30% thị trường tiêu thụ trên địa bàn. Ông Từ Minh Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đánh giá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố nếu cạnh tranh giá, chất lượng, an toàn thực phẩm... còn kém so với nông sản của các tỉnh, thành.

“Phải chuyển giao công nghệ phù hợp cho nông dân sản xuất nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, ít nhất là trong nước, sau đó mới tính chuyện xuất khẩu” – ông Thiện bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, để nông sản thành phố tiêu thụ mạnh, chiếm thị phần và mang tính ổn định, buộc chất lượng nông sản phải đạt chuẩn, phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phải cạnh tranh giá được với các sản phẩm từ các tỉnh, thành.

Hiện tình hình sản xuất nông nghiệp của TP.HCM khá manh mún, nhỏ lẻ. Để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, đại trà, ông Khoa cho rằng, nông dân phải thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem